Sợ nghèo để thoát nghèo

Văn Phồn, Quang Linh, Quang Nam-Thứ sáu, ngày 10/12/2021 18:28 GMT+7

VTV.vn - Khơi dậy khát vọng, tạo động lực để người dân mong muốn thoát nghèo là mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Nghĩ xa hơn, mạnh dạn hơn là điểm chung của nhiều hộ thoát nghèo bền vững khi họ đã trải qua và biến thách thức thành kinh nghiệm, làm không chỉ để đủ ăn mà còn phải có tích lũy, thoát khỏi tư duy cũ "nghèo thành quen" mà thành "sợ nghèo" để thay đổi.

Ở tuổi hơn 50, ông Vi Văn Hà (xã Tam Quang, huyện Tương Dương, Nghệ An) không muốn đi làm thuê xa quê nữa Mười mấy năm cứ đi rồi lại về, chẳng tích lũy được bao nhiêu. Được nhà nước giúp cho vay vốn mua đôi bò giống giờ thành đàn bò 12 con, ông dời nhà vào rừng ở để chăm đàn bò và thoát nghèo.

Còn với bà Lô Thị Tình, bà vẫn đùa với cán bộ xã là không phải mình nuôi bò mà đàn bò đã nuôi cả nhà bà, giúp 3 đứa con học hành đầy đủ. Vợ chồng đều yếu, bà bị nang thận 8 năm. Hai con lớn giờ đi làm công nhân ở Bắc Ninh, còn 1 đứa nhẹ gánh hơn trước nhiều. Nghĩ mãi, bà bàn với chồng xin thoát nghèo dù trong đơn chỉ ghi là thoát nghèo 1 năm.

Sợ nghèo để thoát nghèo - Ảnh 1.

Ở xã biên giới Môn Sơn, những hộ dám vay vốn, dám làm lại là những hộ thoát nghèo nhanh nhất. Mỗi năm, hàng chục hộ xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, không phải là phong trào mà là nhận thức thay đổi và khẳng định quyết tâm của chính họ.

Nhiều gia đình ở vùng khó khăn Tây Nghệ An xin ra khỏi danh sách hộ nghèo chỉ đơn giản là cảm thấy mình đã tốt hơn, đã có vốn liếng hơn và phần hỗ trợ để dành cho các hộ nghèo hơn. Bên cạnh đó, là sự tin tưởng vào chính sách của Đảng, nhà nước với nguồn vốn chính sách luôn sẵn sàng giúp họ phát triển kinh tế.

Trong giai đoạn 2021-2025, Đảng, Nhà nước tiếp tục có chính sách đảm bảo quyền an sinh xã hội của người nghèo được toàn diện hơn. Đặt biệt, chỉ số việc làm gắn với thu nhập sẽ là cơ sở để phân loại đối tượng hộ nghèo để có các giải pháp tác động phù hợp. Không chỉ hỗ trợ người dân thoát nghèo, người dân còn được tiếp tục hỗ trợ để không tái nghèo. Đảm bảo quyền con người là điểm nhấn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam được quốc tế ghi nhận.

Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó có các mục tiêu là "Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; đảm bảo giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng; giảm bất bình đẳng trong xã hội".

"Giảm nghèo bền vững" là không chỉ là giảm số hộ nghèo mà còn làm sao để người dân không "tái nghèo". Đây không chỉ là mối lo của chính quyền mà còn là quyết tâm của chính những hộ vừa thoát nghèo. Bởi thực tế ở những vùng khó khăn, thoát nghèo rồi lại tái nghèo là chuyện tương đối phổ biến. Tính toán kém, thiên tai, đau ốm, làm ra sản phẩm không biết bán đi đâu... chỉ cần một trong những nguyên nhân này thôi cũng có thể đẩy một hộ đã thoát nghèo trở lại danh sách hộ nghèo hay cận nghèo của địa phương. Chẳng ai muốn nghèo mãi thế nhưng thực tế chăm chỉ làm lụng thôi chưa đủ mà cần rất nhiều sự quyết tâm và nỗ lực thay đổi của chính các hộ dân...


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước