Sống dở, chết dở vì... rác

Hồng Anh, Hồ Trí-Thứ hai, ngày 02/11/2020 12:25 GMT+7

VTV.vn - Ở đâu có hoạt động sống của con người, ở đó có rác thải sinh hoạt. Rác đang gây ra những khổ sở và bất lực cho nhiều người dân ở các đô thị lớn và nhiều vùng nông thôn.

Vì sao Hà Nội ngập rác?

Những ngày qua, nỗi bức xúc của người dân về vấn đề ô nhiễm môi trường dù chưa khi nào nguội nhưng lại có cơ hội để nóng hơn bao giờ hết khi Hà Nội ngập tràn những con phố toàn rác là rác.

Sống dở, chết dở vì... rác - Ảnh 1.

Rác chất đống ở đường phố Hà Nội khi bãi rác Nam Sơn bị chặn.

Bãi rác Nam Sơn là khu xử lý rác thải lớn nhất của Thủ đô vì nơi này phải xử lý gần 80% lượng rác thải sinh hoạt của toàn thành phố Hà Nội. Dù công suất thiết kế ban đầu chỉ 1.000 tấn/ngày đêm nhưng sau nhiều năm hoạt động, bãi rác này đã phải xử lý lượng rác thải gấp 5 lần như thế.

Cuối năm 2017, UBND huyện Sóc Sơn đã phê duyệt dự án đầu tư khu tái định cư để di dời người dân 3 xã trong vùng ô nhiễm bán kính 500m. Tuy nhiên, suốt 3 năm nay, việc di dời vẫn chưa được thực hiện do những vướng mắc liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng.

Phải hứng chịu những hệ lụy xấu về môi trường sống, hàng trăm hộ dân sống gần bãi rác Nam Sơn đã hơn chục lần chặn xe rác vào đây.

Nỗi khổ của người dân sống gần bãi rác

Nếu ai đó ở Thủ đô và từng đến Hà Nội những ngày vừa qua mà cảm thấy ngán ngẩm với tình cảnh này để rồi trách cứ hay thiếu đồng cảm với việc làm của những người dân sống quanh bãi rác, thì hi vọng sẽ thay đổi suy nghĩ đó sau bài viết này.

Ở giữa trung tâm thủ đô, người dân huyện Sóc Sơn chặn đường ngăn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn. Rác, dù chỉ 1 ngày không được dọn dẹp đã đủ để thấy khó chịu, huống gì là liên tiếp 3 ngày người dân phải hứng chịu sự ùn ứ này.

Sống dở, chết dở vì... rác - Ảnh 2.

Nhưng mới chỉ có 3 ngày thôi mà đã có nỗi khó chịu ấy thì thử hỏi những người dân hơn 20 năm sống gần bãi rác sẽ cảm thấy như thế nào? Nếu câu trả lời mặc định, chỉ là thối và bẩn thì chưa đủ để nói lên 2 chữ thấu hiểu.

Khổ sở và bất lực khi sống chung với rác là tình cảnh không chỉ diễn ra ở các khu đô thị lớn. Tại nhiều vùng nông thôn, tình trạng bãi rác quá tải và ô nhiễm cũng đặt ra cho người dân không ít điều phiền muộn.

Không chỉ ảnh hưởng đến quá trình lao động sản xuất của người nông dân trên những mảnh ruộng gần bãi rác, sự ô nhiễm còn gây bao phiền toái cho cuộc sống sinh hoạt thường ngày của hàng trăm hộ dân sống quanh đây từ bữa ăn đến giấc ngủ.

Vậy là để chống chọi lại những thứ vô hình ấy, những chiếc cửa bên cạnh việc chống trộm, lại được ủy thác thêm cả nhiệm vụ chống mùi. Thật khó để thấu hiểu nếu không là người trong cuộc.

Xử lý rác thải sinh hoạt: Bài toán khó?

Không thể tìm 1 bãi rác không gây ô nhiễm ở Việt Nam nhưng có thể tìm ra nhiều nguyên nhân khiến cho sự ô nhiễm này trở nên khó kiểm soát.

Bãi rác tập trung của huyện Nga Sơn dù được đầu tư 2 lò đốt, nhưng mỗi ngày đều có từ 20 đến 30 tấn rác không thể xử lý. Theo vị quản lý ở đây, cách duy nhất để giảm thiểu ô nhiễm cho đống rác khổng lồ bị tồn đọng là túi men vi sinh. Nhưng không phải ngày nào, lượng rác ùn ứ cũng được phun men đúng quy trình.

Không rõ bãi rác có ổn không nhưng người dân đang hoàn toàn không ổn. Số rác cũ tồn đọng, thay vì được chuyển đi như lời vị Phó Chủ tịch huyện, lại được chôn cất một cách không thừa nhận.

Sống dở, chết dở vì... rác - Ảnh 3.

Những hố nước đen ngòn quanh khu xử lý rác.

Bãi rác tự ý chôn cất mà không được xử lý kỹ thuật, khi nước rỉ rác đen sì cứ thế chảy hết ra vùng trũng bên cạnh. Chỉ bằng mắt thường cũng có thể thấy mức độ ô nhiễm. Nhìn từ trên cao, vô số những hố nước như thế xung quanh khu xử lý rác.

Ông Thịnh Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn, Thanh Hóa thừa nhận: "Môi trường là một bài toán khó. Nếu học sinh mà dốt lại yêu cầu bài toán khó thì không bao giờ giải được. Tôi thì tôi tự nhận mình dốt nên chưa giải được bài toán khó".

Học sinh dốt không giải được bài toán khó nhưng không có nghĩa là bài toán khó không có câu trả lời, nhất là khi cuộc sống của người dân lại đang bức bối chỉ vì bài toán ấy.

Trước khi phải nhận thức được về tác hại của việc xả rác ra môi trường hay phải biết về việc mất bao nhiêu lâu để 1 chiếc túi nylon mới có thể phân hủy được, điều người dân không phải học cũng có thể biết là cuộc sống của họ đang bị đe dọa như thế nào nếu cứ phải sống trong môi trường ô nhiễm.

Nhân câu chuyện mới nóng lên ở Hà Nội về rác, tác giả Cẩm Hà đã vừa đã có một bài chia sẻ rất đáng chú ý trên báo VnExpress rằng "Thi thoảng, tôi lại thấy ghen tị với dân xã Hồng Kỳ, Nam Sơn ở Hà Nội. Ít ra vài năm qua, họ đã có hơn chục lần đứng lên công khai đòi quyền lợi. Còn ở Bình Chánh và Quận 7, chúng tôi đành chấp nhận "sống chung với thối".

Theo chia sẻ của tác giả bài viết, trong suốt 5 năm qua, 350.000 cư dân quận 7 TP.HCM đã phải chịu mùi hôi thối, nếu đợi 5 năm nữa bãi rác vì quá tải mà đóng cửa, tổng cộng sẽ là 10 năm. Nếu so với sức chịu đựng lên tới 20 năm của người dân Sóc Sơn, Hà Nội, con số kinh khủng đó có phần khiêm tốn?

Sống chung với rác, tại sao không?

Sống dở, chết dở vì... rác - Ảnh 4.

Phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình là một cách giúp bài toán khó trở nên dễ hơn phần nào.

Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hóa là những nơi được nhắc tới trong bài viết này nhưng tình cảnh ô nhiễm bãi rác chắc chắn không chỉ có ở riêng những địa phương ấy. Đáng buồn, ở thành phố, những đô thị phát triển hay miền quê là những nông thôn mới về đích, vô số những thành tựu về kinh tế xã hội không thể bị xóa nhòa bởi những bức xúc về môi trường sống nhưng "Hãy khoan mơ tưởng tới đô thị thông minh khi rác thải còn là vấn nạn lớn đối với cộng đồng". Đó lời kết của tác giả Cẩm Hà trong bài viết Sống chung với rác.

Nếu ví việc xử lý rác thải là một bài toán khó thì chúng ta nên cần những học sinh giỏi. Nhưng đôi khi, ranh giới giữa giỏi và dốt không quá rạch ròi bởi đánh giá của cá nhân ai, bởi hành vi của con người được định hướng không chỉ ở trí tuệ mà đến từ ý thức của chính chúng ta.

Phân loại rác, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình bằng men vi sinh là cách nhiều gia đình và địa phương đang thực hiện.

Tóm lại, ban đầu cái gì cũng khó. Tuy nhiên, nếu người dân nhận thức được về lợi ích của mình, xã hội, cộng đồng thì họ sẽ làm. Bởi lẽ, môi trường sống tốt là điều ai cũng mong muốn.

Đừng để bãi rác Nam Sơn (Hà Nội) mãi thành “con tin” Đừng để bãi rác Nam Sơn (Hà Nội) mãi thành “con tin” Lãnh đạo Hà Nội đề nghị không để tái diễn tình trạng chặn xe vào bãi rác Nam Sơn Lãnh đạo Hà Nội đề nghị không để tái diễn tình trạng chặn xe vào bãi rác Nam Sơn Người dân lại chặn bãi rác Nam Sơn, hàng trăm tấn rác của Hà Nội bị tồn đọng Người dân lại chặn bãi rác Nam Sơn, hàng trăm tấn rác của Hà Nội bị tồn đọng

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước