Dây chuyền sản xuất tái chế giấy của Công ty Phú Lâm, ở Cụm công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh được thiết kế với công suất khá lớn, 40.000 tấn sản phẩm/năm, nên dây chuyền hoạt động không ngừng. Ông chủ đã từng tiết lộ, hệ thống máy móc chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài.
Còn hệ thống dây chuyền sản xuất giấy của một công ty khác cùng trong Cụm công nghiệp Phú Lâm đang buộc phải dừng hoạt động để hoàn thiện các thủ tục về giấy phép môi trường. Nhìn vào những cỗ máy rỉ sét này chỉ biết rằng, doanh nghiệp đã hoạt động tái chế giấy từ lâu, còn cụ thể tuổi đời của các thiết bị trong dây chuyền thì chẳng thể nào biết được.
Trong những lần tác nghiệp cách đây khoảng 3 năm trước, nhóm phóng viên đã từng chứng kiến các thiết bị máy móc đã qua sử dụng đã được nhập về để chờ lắp đặt tại một công ty trong cụm. Dựa vào những ký hiệu, nhãn mác cho thấy thiết bị có nguồn gốc từ nước ngoài. Để tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu, các cỗ máy đã qua sử dụng sẽ được ưu tiên nhập về hơn. Tuy rẻ, nhưng đã thực sự tối ưu hay chưa thì không dám khẳng định.
Dù chỉ là phỏng đoán dựa vào những gì chứng kiến nhưng để đảm bảo môi trường, thì ngoài yếu tố công nghệ - còn phụ thuộc vào ý thức của chủ doanh nghiệp. Thực tế, qua công tác kiểm tra, tháng 2 vừa qua Thanh tra Bộ Tài nguyên môi trường đã phát hiện 9/18 doanh nghiệp tại Cụm Công nghiệp Phú Lâm hoạt động chui khi chưa có giấy phép về môi trường. Trong khi các doanh nghiệp này đã hoạt động hơn chục năm nay. Và cũng trong ngần ấy thời gian, không ai biết được, đã có bao nhiêu khói bụi, nước thải… từ các đơn vị này - xả ra môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!