Tái hòa nhập cho nữ giới nghiện ma túy

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 26/06/2023 21:07 GMT+7

VTV.vn - Gần 4% người nghiện ma túy tại nước ta là nữ giới, trong tổng số gần 206 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý.

Việc tái hòa nhập xã hội cho nhóm đối tượng này khó khăn hơn rất nhiều so với nam giới. Đa dạng với đủ hoàn cảnh, độ tuổi, nghề nghiệp, họ có muôn vàn lý do để dính vào con đường nghiện ngập

Nhiều lý do nghiện ma túy

Thu nhập từ 30-40 triệu đồng/tháng nhờ công việc bán nước giải khát, người phụ nữ này đến với ma túy vì nỗi buồn riêng. Đã ly hôn và đang nuôi con nhỏ, những lúc buồn buồn được bạn bè rủ rê, lại sẵn có tiền nên chị đã dính vào ma túy từ lúc nào không hay.

H, một cô gái trẻ đang có tương lai rộng mở cũng vướng vào ma túy. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có điều kiện, bố mẹ quan tâm và bản thân cũng có công việc đáng mơ ước tại một công ty năng lượng, không ai ngờ H lại nghiện ma túy.

Có thâm niên nghiện gần 20 năm với 4 lần ra vào trung tâm cai nghiện, giờ đây người phụ nữ này thấy hối hận vì đã lãng phí cả cuộc đời mình trong những cơn say thuốc. Lần này, chị hy vọng sẽ cai được để làm lại cuộc đời, dù muộn còn hơn không.

Mỗi người một hoàn cảnh nhưng điểm chung họ đều nếm trải sự đau khổ. Hầu hết những phụ nữ nghiện ma túy đều bị chồng từ bỏ, người thân xa lánh, tính tình thay đổi.

Lý do có thể khác nhau nhưng khó khăn hòa nhập là khó khăn chung. Không thể phủ nhận một trong những nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ tái nghiện sau cai đó là họ không thể hòa nhập được vào cộng đồng khi trở về. Mặc cảm, không tìm được kế sinh nhai hoặc bị mọi người xa lánh - nhiều người lại tiếp tục lao vào con đường nghiệp ngập. Đây là một vòng luẩn quẩn không thoát ra được.

Trợ giúp phụ nữ sau cai nghiện

Thực tế cho thấy những người nghiện là nữ giới sau cai sẽ hòa nhập gia đình tốt hơn nhưng mặc cảm với xã hội lại lớn hơn nam giới. Đây chính là rào cản lớn nhất trong quá trình trở lại cuộc sống bình thường của họ

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công tác xã hội, để đẩy mạnh hiệu quả công tác sau cai, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại các trung tâm chữa trị, phục hồi, chúng ta cần có chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp sử dụng người nghiện sau cai, tạo điều kiện cho họ vay vốn để sản xuất, kinh doanh, miễn phí tư vấn giới thiệu việc làm.

Có được việc làm ổn định sau khi chữa trị, phục hồi là ước mơ của nhiều chị em nghiện sau cai, là "cầu nối" đưa họ trở lại với cuộc sống lành mạnh, giúp giảm nguy cơ tái nghiện. Tuy nhiên, con đường trở lại sẽ còn nhiều gập ghềnh nếu chỉ trông vào các biện pháp hỗ trợ từ Nhà nước mà không có sự trợ giúp từ cộng đồng xã hội.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước