"Tấn công" COVID-19 - "vũ khí" lợi hại nhất là sự đồng lòng chống dịch

Vũ Em - Đắc Hiến-Thứ ba, ngày 11/05/2021 12:32 GMT+7

VTV.vn - Vũ khí lợi hại nhất để chủ động "tấn công" COVID-19 trên hết vẫn là sự đồng lòng chống dịch từ người dân.

Sự phức tạp của đợt dịch COVID-19 thứ tư tại Việt Nam

Sau nửa tháng, kể từ ngày 27/4 đến sáng nay, Việt Nam đã ghi nhận 486 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Dịch bệnh đã lan rộng 26 tỉnh thành. Đợt dịch lần này được đánh giá là tạp hơn, khó khăn hơn.

Sự phức tạp của đợt dịch lần này theo các chuyên gia được thể hiện qua 3 vấn đề: sự xuất hiện các biến chủng mới của virus, dịch xuất hiện cùng lúc ở nhiều địa phương và dịch tấn công vào bệnh viện tuyến cuối.

Tấn công COVID-19 - vũ khí lợi hại nhất là sự đồng lòng chống dịch - Ảnh 1.

BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh là tuyến cuối, chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 (Ảnh: Dân trí)

Về biến chủng của virus đã làm dịch bệnh lây lan nhanh: Tại Hà Nam, kể từ khi phát hiện ca dương tính đầu tiên, tính đến ngày 9/5, đã có 22 ca mắc COVID-19 liên quan đến bệnh nhân này, hàng loạt tỉnh, thành như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên có ca liên quan. Virus tại ổ dịch tại Hà Nam được xác định là biến chủng Anh Quốc B11.7.

Tại Vĩnh Phúc, ổ dịch này ghi nhận có liên quan đến các chuyên gia Trung Quốc. Kết quả giải mã gen cho thấy ổ dịch này có chủng virus lưu hành được xác định là chủng Ấn Độ B.1.6.172. Tính đến ngày 8/5, ổ dịch tại Vĩnh Phúc có 33 ca bệnh. Còn ở Yên Bái, ổ dịch có liên quan đến các chuyên gia Ấn Độ với chủng virus lưu hành là chủng Ấn Độ B.1.6.172.

Dịch cùng lúc xuất hiện ở nhiều địa phương: Đợt dịch lần này ghi nhận nhiều tỉnh thành có ca mắc COVID-19 với chuỗi lây nhiễm từ các ổ dịch nhưng đồng thời cũng xuất hiện các ổ dịch mới như tại Đà Nẵng. Ngày 3/5, Đà Nẵng ghi nhận ca COVID-19 ngoài cộng đồng nhưng chưa rõ nguồn lây.

Dịch tấn công vào bệnh viện tuyến cuối: Hai ổ dịch đáng kể nhất là tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K Hà Nội, có tốc độ lây nhanh với hàng loạt ca mắc. Đặc biệt, tại Bệnh viện K Hà Nội được đánh giá phức tạp rất nhiều khi có các bệnh nhân mắc ung thư.

"Dịch lần này phức tạp hơn khi có F1 đã nhanh chóng thành F0, F2 trở thành F0 khiến chúng ta phải truy vết trên diện rộng. Nhưng chúng ta may mắn đã có những kinh nghiệm các lần trước nên chúng ta đang đẩy nhanh truy vết" - PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.

Tấn công COVID-19 - vũ khí lợi hại nhất là sự đồng lòng chống dịch - Ảnh 2.

Sáng 7/5, Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều (Hà Nội) đặt biển tạm thời không tiếp nhận bệnh nhân do tình hình dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Dân trí.

Sự lây lan nhanh chóng khi F1, F2 trở thành F0 đã cho thấy mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19 lần này. Chẳng hạn như trường hợp của bệnh nhân 3243, 26 F1 của bệnh nhân này rất nhanh chóng chuyển thành F0. Chính vì vậy, các địa phương đã phải thần tốc, truy vết, xét nghiệm để khoanh vùng dập dịch.

Thần tốc truy vết, xét nghiệm dập dịch

Bộ Y tế xác định Việt Nam hiện có 4 ổ dịch lớn bao gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện K, Đà Nẵng và Yên Bái.

Tổng số xét nghiệm đã triển khai giai đoạn này là hơn 84.000 mẫu. Hiện công suất xét nghiệm của Việt Nam đã đạt tốc độ nhanh, tăng 1,7 lần so với thời kỳ cao điểm của đợt dịch Đà Nẵng tháng 7/2020.

Chính vì xác định được 4 ổ dịch với các nguồn lây, đẩy mạnh xét nghiệm nên theo nhận định của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19, dịch bệnh tại nước ta cơ bản đã được kiểm soát. Điều này cho thấy chiến lược "phát hiện sớm, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch" hiện nay của chúng ta vẫn phát huy hiệu quả.

Trước tình hình diễn biến dịch có nhiều điểm mới, Thủ tướng Chính phủ đã có những định hướng ứng phó với dịch, "chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất".

Theo các chuyên gia, việc chủ động tấn công trước mắt là tất cả tỉnh thành trong cả nước đều phải xác định có ca mắc COVID-19 để đồng loạt kích hoạt hệ thống phòng dịch, nhất là bảo vệ các cơ sở y tế.

Chủ động rà soát nguồn bệnh

Chạy đua với thời gian, khoanh vùng truy vết, các cán bộ y tế phường xã còn chủ động xác minh những người dân đi từ các tỉnh thành khác về địa phương.

Theo các chuyên gia, khi dịch lan rộng tại nhiều tỉnh thành, công việc kiểm tra, xác minh người dân về địa phương này cần phải khởi động trong cả nước.

"Chúng ta phải khởi động hàng loạt hơn, nghĩa là chúng ta chủ động hơn chứ không phải có ca rồi mới khởi động. Chủ động tìm ca ở địa phương mình chứ không phải là chờ nơi khác thông báo" - bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ, cho biết.

Tấn công COVID-19 - vũ khí lợi hại nhất là sự đồng lòng chống dịch - Ảnh 3.

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng. (Ảnh minh họa: Báo điện tử Nhân dân)

Đặc biệt tại các bệnh viện, sự chủ động bảo vệ thành trì cuối cùng hiện cũng đang được thực hiện quyết liệt, nâng cao hơn một mức bởi các đợt dịch trước đã cho thấy sự thiệt hại về người nghiêm trọng nếu dịch tấn công vào các bệnh viện.

Còn tại các khu cách ly, sau khi đã có những lỗ hổng, vấn đề giám sát, không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly được đặt ra. Nhiều địa phương đã tiến hành kiểm tra hệ thống camera giám sát của các khu cách ly và vấn đề lây nhiễm chéo.

Chủ động truy vết, bảo vệ thành trì bệnh viện, lúc này các công việc chặn dịch đang được ngành y tế triển khai quyết liệt để chặn dịch.

Chủ động tấn công COVID-19 bằng xét nghiệm

Bộ Y tế cũng cho biết để chủ động tấn công COVID-19, phương thức sẽ chuyển từ xét nghiệm chạy theo sang phương thức tấn công bằng cách chủ động sàng lọc. Tức là, ở các khu vực xuất hiện dịch mới bắt đầu được xét nghiệm sàng lọc, nay sẽ chủ động xét nghiệm sàng lọc diện rộng cả ở những vùng chưa có dịch để tầm soát, phát hiện sớm, kịp thời khoanh vùng và chặn, dập.

Các địa phương tổng rà soát những người nhập cảnh, người tới các cơ sở vui chơi giải trí trong một tháng qua, xét nghiệm bằng 2 phương thức là kháng nguyên và kháng thể.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện có trên 300 giường bệnh phải có một phòng xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR.

Tấn công COVID-19 - vũ khí lợi hại nhất là sự đồng lòng chống dịch - Ảnh 4.

Bắc Ninh lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên phục vụ công tác phòng, chống COVID-19. (Ảnh: Đài PTTH Bắc Ninh)

Để chủ động "tấn công" COVID-19, không chỉ từ các chuyên gia hay các cơ quan chức năng, y tế, "vũ khí" lợi hại nhất trên hết vẫn là sự đồng lòng chống dịch từ người dân.

Mặc dù vậy, trong lúc toàn quốc chống dịch, đâu đó vẫn có những cá nhân không ý thức. Trong khi TP Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở kinh doanh các dịch vụ không thiết yếu như karaoke, quán bar tạm đóng cửa, một quán karaoke vẫn lén lút hoạt động. Khi kiểm tra đột xuất, đoàn kiểm tra còn phát hiện 4 người Trung Quốc, 4 người Nhật Bản trong quán. Trong số này, 1 người vừa mới hoàn thành cách ly tập trung và đang trong thời gian tự cách ly 14 ngày. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vụ việc và đưa những người có mặt đi xét nghiệm. Chiều 10/5, cơ sở này đã bị xử phạt và rút giấy phép hoạt động.

Tại các tỉnh, thành như Hà Nội, Quảng Ninh, An Giang cũng đã xử phạt các trường hợp kinh doanh karaoke vi phạm phòng dịch. Dịch bệnh xảy ra là điều không ai mong muốn. Yêu cầu phòng dịch đòi hỏi một số dịch vụ phải tạm dừng hoạt động vì thực tế đã chứng minh nhiều ổ dịch xuất hiện tại một số khu vực khép kín, tập trung đông người.

Đây chỉ là một trong số những cá nhân vi phạm. Rất mừng khi qua các đợt dịch cho thấy sự chung tay của nhiều người dân trên khắp cả nước đã góp phần giúp dịch bệnh đẩy lùi. Trước những diễn biến mới, tinh thần này một lần nữa được phát huy.

Chủ động đóng cửa hàng quán để chung tay phòng dịch

Mỗi ngày quán có thể phục vụ hàng trăm khách, dù có thể chuyển sang phục vụ dưới 30 người và chuyển sang hình thức bán mang về theo quy định nhưng anh Đặng Quốc Trường - chủ quán An Duyên, Quận 5, TP Hồ Chí Minh - vẫn quyết định tạm đóng cửa quán một thời gian.

Cũng đã từng đóng cửa quán một lần, hơn ai hết, chị Lê - chủ quán cơm Tấm Phê, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh - hiểu rõ những ảnh hưởng đến kinh tế của mình khi phải chịu lỗ tiền mặt bằng, tiền công nhân viên. Dù duy trì buôn bán nhưng quán cơm của chị Lê luôn trang bị dung dịch sát khuẩn và được lau dọn vệ sinh thường xuyên. Chị Lê lúc này vừa lo lắng nhưng cũng sẵn sàng tinh thần tạm đóng cửa nếu có quy định mới.

An toàn là trên hết, không chỉ an toàn cho mình mà còn cho cộng đồng. Vì vậy, những chủ quán này đã không ngại ngần hy sinh lợi ích riêng.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp. Mỗi một làn sóng dịch lại có biết bao hàng quán phải đóng cửa. Những dãy phố sôi động trở nên lặng im nhưng sự lặng im này hoàn toàn không vô nghĩa. Đó là sự lặng im cần thiết cho ngày sôi động trở lại.

Bộ Y tế giao 5 bệnh viện đảm bảo an toàn tiêm chủng vaccine COVID-19 Bộ Y tế giao 5 bệnh viện đảm bảo an toàn tiêm chủng vaccine COVID-19

VTV.vn - Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn yêu cầu các bệnh viện triển khai công tác đảm bảo an toàn trong tiêm chủng vaccine COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước