Ổ dịch COVID-19 tại bệnh viện - Thách thức trong công tác ngăn dịch

Kim Xuân, Phan Hằng-Thứ hai, ngày 10/05/2021 20:07 GMT+7

VTV.vn - Đợt dịch bệnh bùng phát lần này được đánh giá là rất nghiêm trọng do các ổ dịch xuất hiện ở nhiều bệnh viện, trong đó, có cả bệnh viện đầu não trong điều trị COVID-19.

Tính đến 12h ngày 10/5, số lượng ca mắc mới COVID-19 tính từ ngày 27/4 đến nay là 442 ca. Riêng ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 lây lan ra rất nhiều địa phương và bệnh viện. Từ ổ dịch này đã ghi nhận 252 ca bệnh tại 10 địa phương và một số bệnh viện, trong đó có bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Đến ngày 10/5, ghi nhận 12 trường hợp mắc bệnh tại Bệnh viện K Tân Triều và 12 ca tại 5 tỉnh thành phố. Hiện, bệnh viện K đã tiến hành xét nghiệm cho khoảng 4.000 nhân viên y tế và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân chủ yếu tập trung tại khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy. Điều lo ngại hiện nay là các bệnh nhân điều trị ngoại trú sẽ đi đâu để tiếp tục các đợt hóa trị và xạ trị.

Đợt dịch bệnh bùng phát lần này ở Việt Nam được đánh giá là rất nghiêm trọng, do các ổ dịch xuất hiện ở nhiều bệnh viện. Trong đó, có cả bệnh viện được coi là đầu não trong điều trị COVID-19 là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Đây là một thách thức lớn trong công tác ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng. Ngay lúc này, rất nhiều sự chia sẻ, chi viện đã hướng về các bệnh viện này.

Ổ dịch COVID-19 tại bệnh viện - Thách thức trong công tác ngăn dịch - Ảnh 1.

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 bắt đầu điều trị bệnh nhân COVID-19

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đã bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân từ bệnh viện bệnh nhiệt đới trung ương. Việc này sẽ giúp giảm áp lực trong công tác điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và quan trọng nhất là tránh nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân do quá tải.

Tính đến trưa 10/5, đã có 110 người bao gồm cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2. Tất cả các bệnh nhân đều có kết quả âm tính từ 1 đến 3 lần với virus SARS-CoV-2. Đáng lưu ý là đây có cả những bệnh nhân có bệnh lý nền nặng, như suy gan, suy thận, bệnh có khả năng diễn biến nguy hiểm, vì thế, thời gian điều trị dự kiến còn kéo dài.

Ổ dịch COVID-19 tại bệnh viện - Thách thức trong công tác ngăn dịch - Ảnh 2.

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2.

40 bác sĩ từ bệnh viện Bạch Mai và Hà Nam đã được điều động đến tăng cường tại đây. Giường bệnh, trang thiết bị y tế cũng được chuyển đến từ nơi khác. Việc triển khai điều trị COVID-19 tại một bệnh viện hoàn toàn mới, không có bệnh nhân cũ đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phân khoa, bố trí các khu điều trị riêng biệt, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra những khó khăn nhất định.

Dự kiến, trong ngày 11/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẽ hoàn thành việc vận chuyển 200 bệnh nhân về đây. Ngoài điều trị số bệnh nhân này, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 còn có thể nâng cấp lên tối đa 600 đến 700 giường bệnh khi cần thiết.

Ngoài ra, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 còn được dùng làm nơi cách ly cho những người thuộc diện F1 của tỉnh Hà Nam. Trong đó, những người chuyển thành F0 sẽ được chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị, khi có kết quả âm tính từ 1-2 lần mới được chuyển quay lại đây để điều trị tiếp.

Cục quản lý khám chữa bệnh đã đề nghị Sở Y tế Hà Nội chuẩn bị cơ sở để hỗ trợ điều trị bệnh nhân. 2 bệnh viện được chỉ định là Bệnh viện Đa khoa Đông Anh và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. 2 bệnh viện này chuẩn bị nhân lực, phòng bệnh, trang thiết bị cần thiết để tiếp nhận điều trị người bệnh nội trú chuyển tuyến từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW cơ sở 2. Ngoài 2 bệnh viện này, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW liên hệ với các bệnh viện chuyên khoa khác nếu cần thiết để chuyển tuyến người bệnh theo quy định.

Nỗi lo điều trị ngoại trú khi Bệnh viện K phong tỏa

Cùng với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, Bệnh viện K cũng đang thực hiện cách ly y tế, không tiếp nhận bệnh nhân mới, trừ cấp cứu đặc biệt. Trong khi đó, đây là bệnh viện tuyến cuối, mỗi ngày tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân. Điều này đã khiến nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú, không khỏi hoang mang và lo lắng. Bởi nếu không tuân thủ phác đồ điều trị, bệnh ung thư sẽ diễn biến xấu rất nhanh.

Ổ dịch COVID-19 tại bệnh viện - Thách thức trong công tác ngăn dịch - Ảnh 3.

Theo lịch hẹn thì ngày 7/5, ông Quang có chỉ định mổ u gối để sinh thiết tế bào ung thư. Tuy nhiên, đúng ngày hẹn thì Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, nơi ông đang điều trị đã bị cách ly y tế. Vì vậy, ông không khỏi lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình nếu bỏ lỡ thời gian vàng điều trị ung thư.

Tại khu nhà trọ nơi ông Quang thuê có rất nhiều trường hợp cũng đang điều trị tại Bệnh viện K. Ngay sau khi Bệnh viện K thiết lập cách ly y tế, họ được lấy mẫu xét nghiệm và yêu cầu không di chuyển khỏi khu nhà trọ này.

Liên quan đến Bệnh viện K, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông đã rà soát được 17F1 và 66 F2. Ngoài những trường hợp F1, F2 được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, hơn 400 trường hợp ra vào Bệnh viện K trong khoảng thời gian này đã được rà soát và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

Bệnh viện K cách ly y tế, nhiều bệnh nhân ngoại trú lo lắng về việc điều trị. Tuy nhiên, Bệnh viện K cho biết, bác sĩ điều trị trực tiếp sẽ liên hệ hướng dẫn người bệnh và phối hợp cùng cơ sở chuyên khoa ung bướu gần nhất để tiếp tục theo dõi, thực hiện tiếp phác đồ điều trị trong thời gian này.

Hà Nội hỗ trợ toàn lực 2 bệnh viện trung ương

Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội và Bệnh viện Thanh Nhàn đã được chỉ định để tiếp nhận điều trị bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 và bệnh nhân ung thư đến thời điểm phải xạ trị, hóa trị.

Tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, ngay từ cửa đã có bàn tiếp đón và phân loại bệnh nhân từ Bệnh viện K sang khám và điều trị nội trú.

Bệnh viện đã chuẩn bị riêng một phòng khám và 60 giường bệnh để điều trị những bệnh nhân này. Đến chiều 10/5, đã có 8 bệnh nhân đến để khám và 3 trong số này phải nhập viện để điều trị. Tuy nhiên, các bệnh nhân lo ngại việc thanh toán bảo hiểm y tế hay phác đồ điều trị có được liên tục hay không.

Bệnh nhân tại Bệnh viện K trước khi đến khám nên gọi điện trước theo số: 0915546116 để được tư vấn trước khi đến viện.

Bệnh viện Thanh Nhàn cũng đã tiếp nhận 50 bệnh nhân ung thư dương tính với SARS-CoV-2.

Để ứng phó với diễn biến của dịch bệnh COVID-19, Hà Nội đã xây dựng kịch bản ứng phó với nhiều tình huống và tiến hành xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, những nơi nguy cơ cao. Đặc biệt, tăng cường kiểm soát tại các cơ sở y tế để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm tại cơ sở y tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước