Tân sinh viên và cạm bẫy "việc nhẹ, lương cao"

VTV Digital-Thứ tư, ngày 05/10/2022 20:13 GMT+7

VTV.vn - Tân sinh viên muốn có thêm thu nhập là điều dễ hiểu nhưng cũng cần cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo môi giới, giới thiệu việc làm hiện nay.

Thời gian này, hàng nghìn tân sinh viên đã chính thức nhập học. Bắt đầu quãng thời gian học đại học cũng là lúc nhiều em tìm kiếm cơ hội làm thêm để có thể trải nghiệm và kiếm thêm thu nhập. Đây cũng chính là lúc các chiêu trò lừa đảo môi giới, giới thiệu việc làm nhắm tới các bạn trẻ xuất hiện nhiều hơn.

Những lời quảng cáo về việc làm online, nhẹ nhàng với mức lương cao hấp dẫn xuất hiện nhan nhản khắp nơi. Chưa kể việc làm thêm không có hợp đồng lao động cũng khiến sinh viên trở thành những người lao động yếu thế.

"Ở trên Facebook bây giờ có rất nhiều bài tuyển cộng tác viên viết content nhưng nếu không tỉnh thì rất dễ bị lừa", em Bùi Ngọc Hân, TP Hà Nội cho biết.

Kinh nghiệm được Hân rút ra khi chính bản thân đã từng trải qua thực tế này ngay năm đầu đại học. Nhận công việc trực tuyến với mức tiền công khá hời là 30.000 cho 1 bài viết khoảng 150 từ. Tuy nhiên, Hân cho hay: "Họ bảo khi mình viết xong thì gửi cho họ, họ sẽ chuyển khoản tiền cho mình. Em viết 20 bài trong 1 tháng, lúc họ nhận họ mất hút luôn".

Tân sinh viên và cạm bẫy việc nhẹ, lương cao  - Ảnh 1.

Những lời quảng cáo về việc làm với mức lương cao hấp dẫn xuất hiện nhan nhản khắp nơi.

Cũng tin theo dòng giới thiệu trên trang mạng xã hội việc nhẹ, lương cao, chỉ cần có máy tính và khả năng ngoại ngữ. Thu Uyên (Thái Bình) đã làm theo các chỉ dẫn của chủ bài đăng tuyển cộng tác viên dịch thuật nhưng điểm cuối là mất tiền.

"Em vào link chị ấy hướng dẫn công việc là phải nạp 150.000 - 200.000 đồng vào để được cấp tài khoản dịch. Chỉ cần mình nạp tiền là xác định mất luôn, mình làm việc cũng không được trả tiền", Uyên cho hay.

Không chỉ những công việc ảo khiến các bạn sinh viên mất tiền, mất công sức, mà còn có những công việc có thật nhưng thông tin một đằng thực tế một nẻo không ít, trong số đó phần nhiều là "đa cấp núp bóng" với những chiêu trò tận dụng sức lao động của các bạn trẻ.

Với những rủi ro khi đi làm thêm như vậy nhưng theo các luật sư, quyền lợi của các bạn sinh viên khó được đảm bảo cũng bởi những công việc làm thêm này thường không có giao kết hợp đồng lao động.

Theo Luật sư Đoàn Trọng Bằng, Công ty Luật TNHH Black & White, để đảm bảo quyền lợi, cần giao kết hợp đồng có thể bằng văn bản, thư điện tử hoặc hình thức khác.

Ngoài ra, các bạn trẻ cần cẩn trọng với các bài đăng tuyển dụng tìm người làm thêm không có địa chỉ liên hệ rõ ràng, mức lương hấp dẫn nhưng không yêu cầu kinh nghiệm, mô tả công việc sơ sài, phải đóng tiền trước để bắt đầu công việc... Đây có thể là "chiếc bẫy" với các tân sinh viên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước