Chỉ thị nhằm thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm cho trẻ em được chăm sóc, giáo dục, bảo vệ tốt nhất. Từ chỉ thị này cần bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật và thực hiện những nhiệm vụ ưu tiên gì trong bối cảnh công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em đang bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế?
11 học sinh chung nhau ăn 1 gói mì tôm trong bữa sáng. Câu chuyện về chất lượng bữa ăn của học sinh vùng cao đang gây xôn xao dư luận nhiều ngày gần đây. Mặc dù chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đối với trẻ em, nhất là trẻ em vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gặp khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, bị xâm hại, bạo lực, tai nạn, thương tích, đuối nước, vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng. Đáng lo ngại; việc tạo môi trường an toàn và công tác bảo vệ trẻ em chưa được quan tâm đúng mức.
Mới đây, ngày 27/12, Bộ Chính trị ra Chỉ thị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với sự phát triển của thế hệ tương lai; bảo đảm cho trẻ em được thụ hưởng lợi ích tốt nhất, không bị phân biệt đối xử, được bày tỏ ý kiến và được lắng nghe.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy trình tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em; khuyến khích, huy động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, xã hội tham gia, phối hợp thực hiện tốt các chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, mô hình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em.
Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách, pháp luật; bảo đảm trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, chủ động xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu phát triển hệ thống phúc lợi, dịch vụ xã hội cho trẻ em theo hướng liên thông, chất lượng, thuận lợi trong tiếp cận. Xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện, bảo đảm cho trẻ em có cơ hội phát triển về thể chất, tinh thần, nhân cách, tài năng, trí tuệ.
Trong 20 năm qua, việc lắng nghe, bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ cũng đã rất được quan tâm với Tổng đài 111. Giờ đây, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 được nâng cấp và mở rộng trên phạm vi toàn quốc. Đây là sáng kiến của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ kết quả đạt được sau 20 năm triển khai tổng đài này và đặc biệt sau 2 năm thí điểm chuyển đổi số.
Đối với các nhân viên tổng đài, sau mỗi tiếng chuông là 1 mảnh đời, họ không chỉ trò chuyện, cho lời khuyên mà còn hỗ trợ tâm lý, kết nối trẻ em với cơ quan chức năng. Tùy theo mức độ khẩn cấp mà các cán bộ phải giải quyết trong vòng từ 24 giờ đến tối đa là 5 ngày. Hệ thống liên kết dữ liệu từ cấp trung ương đến địa phương đang được thí điểm, kỳ vọng có thể giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian kết nối trao đổi hồ sơ giữa các địa phương.
Không chỉ tiếp nhận các cuộc gọi qua điện thoại thông thường, tổng đài còn tiếp nhận những cuộc gọi thông qua ứng dụng Tổng đài 111 và zalo hoàn toàn miễn phí, thêm nữa có thể hỗ trợ trẻ em Việt Nam trên phạm vi toàn thế giới.
Hiện nay, hệ thống đang được thí điểm trên 10 tỉnh, thành phố trên cả nước. Dự kiến năm 2025 sẽ triển khai trên phạm vi cả nước, tạo thuận lợi cho các địa phương trong công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại…
Tăng cường, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm cho trẻ em được chăm sóc, giáo dục, bảo vệ tốt nhất đó chính chăm lo cho tương lai của mỗi gia đình, dòng tộc và quốc gia. Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em không phải là những việc làm to tát mà chính là cho các em đủ ăn, đủ mặc, được học hành, không bị tai nạn, đuối nước không bị bạo hành, xâm hại, không bị bắt nạt ở nhà trường lẫn ở trên mạng. Đây là những việc làm mà mỗi gia đình và trường học đang làm, nhưng cần phải làm tốt hơn nữa, thực chất hơn nữa bởi Trẻ em hôm nay, là thế giới ngày mai.
Cùng trao đổi về vấn đề này với ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!