Sáng nay (25/6), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã tổ chức Hội nghị họp bàn khắc phục những tồn tại này.
Đến thời điểm này, gần 100% tàu cá của nước ta đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, tình trạng tàu cá ngắt kết nối khi hoạt động trên biển vẫn xảy ra. Tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm, nhưng chưa ngăn chặn được hoàn toàn.
Công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác IUU - điều EC rất quan tâm, đã có chuyển biến tích cực hơn trước. Tuy nhiên, tỷ lệ xử phạt hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp mới đạt 21%.
Nghị quyết 04 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về xử lý vi phạm IUU có hiệu lực vào ngày 1/8 tới đây được cho là một quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam, không dung túng cho các hành vi vi phạm trong khai thác hải sản.
Ngư dân Khánh Hòa đưa thuyền vào bến sau một chuyến khai thác hải sản từ khơi xa. (Ảnh: NLĐ)
Thời gian qua, công tác phối hợp giữa trạm kiểm soát biên phòng và cơ quan quản lý thủy sản tại một số cảng cá còn chưa có hoặc chưa chặt chẽ. Đây là điều các lực lượng cần tăng cường khắc phục.
"Số lượng tàu cá rất lớn, lượng cửa sông luồng lạch ven biển cũng rất nhiều, trong khi các lực lượng thực thi pháp luật còn mỏng. Quan trọng nhất vẫn là ý thức, trách nhiệm của bà con ngư dân", ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.
Đến tháng 10 tới là tròn 7 năm thủy sản Việt Nam bị cảnh báo "thẻ vàng". Đợt thanh tra lần thứ 5 của EC dự kiến diễn ra vào thời điểm này nếu Việt Nam cho thấy những chuyển biến tích cực. Thủy sản nước ta có gỡ được "thẻ vàng" hay sẽ bị nâng mức cảnh báo "thẻ đỏ" phụ thuộc vào những thay đổi của toàn thể ngư dân ngay từ hôm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!