Vượt muôn sóng dữ, hiệp lực cùng ngư dân gỡ "Thẻ vàng" EC

Minh Tân-Thứ hai, ngày 29/01/2024 05:56 GMT+7

VTV.vn - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã và đang tăng cường kiểm tra, xử lý tàu cá nước ta xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản bất hợp pháp nhằm gỡ "Thẻ vàng" của EC.

Hành trình vượt sóng, hiệp lực cảnh sát biển - ngư dân để gỡ "Thẻ vàng" EC

"Nếu không nỗ lực gỡ "Thẻ vàng" trong tháng 4/2024, Việt Nam có thể phải chờ đợi thêm nhiều năm nữa"

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 9,2 tỷ USD. Không chỉ mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn, đây còn là kế sinh nhai của hàng triệu người lao động.

Dự kiến tháng 4/2024, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ trở lại Việt Nam lần thứ năm và kiểm tra kết quả triển khai khuyến nghị của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Từ đó, EC sẽ đưa ra quyết định gỡ hay không "Thẻ vàng" (EC đưa ra từ năm 2017) cho thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Trước đó, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU ở tỉnh Bà Rịa  - Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã nhấn mạnh, Việt Nam phải gỡ "Thẻ vàng" sớm nhất, nếu để tình trạng này kéo dài thì nguy cơ bị "Thẻ đỏ" là rất cao. Từ nay đến ngày 30/4/2024, nếu không bằng mọi nỗ lực gỡ "Thẻ vàng" của EC, Việt Nam có thể phải chờ đợi thêm nhiều năm nữa.

Việc không được EC gỡ "Thẻ vàng", 100% các lô hàng thủy sản của Việt Nam vào châu Âu đều bị kiểm tra (khi chưa vướng "Thẻ vàng", chỉ cần kiểm tra ngẫu nhiên 1 lô) và chi phí kiểm hết các lô hàng trong 1 container hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam và người nuôi trồng, khai thác phải chịu.

Nếu bị "Thẻ đỏ" IUU, Việt Nam sẽ không được xuất khẩu thủy sản sang châu Âu, trong khi, đây là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta. Ngoài ra, nhiều thị trường chủ lực, quan trọng khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản... cũng có thể áp dụng các quy định tương tự. Từ đó, sẽ gây thiệt hại về kinh tế vô cùng lớn, cùng với đó là ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu quốc gia.

Hành trình vượt sóng dữ, nỗ lực chống vi phạm IUU

Thực hiện cao điểm chống khai thác IUU, mới đây, Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam cùng đại diện 5 tỉnh Tây Nam Bộ (Bà Rịa  - Vũng Tàu, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre); Bộ đội biên phòng; Kiểm ngư, đã tuần tra, kiểm soát ở vùng biển Việt Nam giáp với Malaysia, Thái Lan và Campuchia.

Cụ thể, tàu CSB 8001 tuần tra ở vùng biển giáp ranh Việt Nam – Malaysia, phát hiện một tàu cá thuộc tỉnh Bến Tre đang khai thác thủy sản tại đây nên tiến hành kiểm qua.

Hành trình vượt muôn sóng dữ, hiệp lực cùng ngư dân gỡ Thẻ vàng EC - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng tiếp cận tàu cá của ngư dân Việt Nam kiểm tra chống khai thác IUU.

Chiếc xuồng nhỏ chở từ 7-10 người được hạ từ tàu CSB 8001 đến tiếp cận tàu cá ngư dân. Khi vừa hạ xuống mặt biển, chiếc xuồng bắt đầu chông chênh bởi sóng lớn, người chiến sỹ Cảnh sát biển gồng mình, cẩn thận lái chiếc xuồng đưa tổ kiểm tra kiểm soát ra khơi xa.

Với hành trình khoảng 1 liên (gần 200 mét) nhưng mất gần 30 phút để tiếp cận lên tàu. Từng cơn sóng lớn khiến chiếc xuồng liên tục ngụp, nổi, sóng đánh vào xuồng, ướt sũng quân phục những người lính cảnh sát biển.

Hành trình vượt muôn sóng dữ, hiệp lực cùng ngư dân gỡ Thẻ vàng EC - Ảnh 4.

Lực lượng chức năng kiểm tra hành chính, chống khai thác IUU tàu cá tỉnh Bến Tre.

Khi tất cả thành viên tổ xuồng lên được tàu cá, lực lượng chức năng bắt đầu kiểm tra. Sau một hồi, cán bộ kiểm ngư cho biết, tàu cá có giấy phép, có giấy đăng ký, đăng kiểm, ghi nhật ký, mua bảo hiểm cho các thuyền viên đầy đủ. Tuy nhiên, người lái tàu không có chứng chỉ thuyền trưởng. Nguyên nhân bởi thuyền trưởng bận công việc nên đã sang một tàu khác vào bờ, tàu được điều khiển bởi chủ tàu. Với hành vi này, lực lượng chức năng xử phạt chủ tàu lỗi "Thuyền trưởng không có văn bằng chứng chỉ chuyên môn".

Hỏi thêm về việc tuân thủ chống khai thác IUU chủ tàu cá này, anh H.V.N, ngụ tỉnh Bến Tre cho biết, những năm bị phạt "Thẻ vàng" đã gây thiệt hại nặng nề, thủy sản bán không được giá. Những lần ra khơi đánh bắt từ 6 – 8 tháng nhưng có khi đủ, có khi lỗ.

"Tôi mong muốn nước mình gỡ được "Thẻ vàng" để được xuất khẩu thủy sản qua các nước khác. Cùng với đó là mình quyết tâm với lực lượng chức năng không đánh bắt ở vùng biển nước ngoài" – anh N nói.

Hành trình vượt muôn sóng dữ, hiệp lực cùng ngư dân gỡ Thẻ vàng EC - Ảnh 5.

Ngư dân đang phân loại thủy sản đánh bắt ở vùng biển giáp ranh Việt Nam - Thái Lan.

Tàu CSB tiếp tục di chuyển hơn 100 hải lý, tại khu vực vùng biển giáp ranh Việt Nam – Thái Lan và Malaysia, lực lượng chức năng kiểm tra bất ngờ một tàu gỗ thuộc tỉnh Cà Mau.

Cũng như lần trước, tổ tuần tra kiểm soát rất khó khăn để tiếp cận được tàu bởi điều kiện thời tiết không thuận lợi. Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng cho biết, tàu đang đi câu mực thì bị hư máy đã 4 ngày, đã thả neo nhưng vì sóng lớn nên trôi dạt ra đây. "Chúng tôi đã liên hệ tàu trong đất liền, họ hẹn vài ngày nữa biển êm sẽ ra lai dắt vào bờ" – thuyền trưởng nói.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, tàu có kích thước từ 12m đến dưới 15m, không được đánh bắt thủy sản ở vùng khơi. Sau khi xem xét các điều kiện, lý do, lực lượng chức năng quyết định xử phạt 17,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá 3 tháng.

Theo Đại tá Đào Bá Việt, Phó Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, sau 5 ngày làm việc khẩn trương, tích cực trong điều kiện sóng, gió phức tạp, với hành trình hơn 600 hải lý, lực lượng Cảnh sát biển đã kiểm tra qua máy liên lạc nghề cá 4 tàu, kiểm tra trực tiếp 7 tàu về việc chấp hành các quy định về IUU.

Kết quả ban đầu cho thấy, đa số tàu cá chấp hành nghiêm các quy định về IUU song vẫn còn  một số trường hợp vi phạm. Cụ thể như, tại khu vực vùng biển giáp ranh Việt Nam – Malaysia – Thái Lan, lực lượng chức năng phát hiện 3 tàu cá vi phạm khai thác IUU với các lỗi: thuyền trưởng không có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn; thuyền viên trên tàu cá không mang theo giấy tờ tùy thân và không có trên trong sổ danh bạ thuyền viên; sử dụng tàu cá khai thác thủy sản không đúng vùng biển.

Ở thời điểm hiện tại, việc gỡ "Thẻ vàng" của EC đang được các bộ, ngành, địa phương xác định là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách - từ đó, tập trung thời gian, nguồn lực, thực hiện kiểm tra thường xuyên, xử lý dứt điểm các vi phạm. 

Song, câu hỏi đặt ra ở đây là: Sẽ cần tới bao nhiêu cơ quan chức năng để tiến hành nhắc nhở, xử lý vi phạm? - Có lẽ, sẽ không bao giờ là đủ nếu mỗi ngư dân không tự ý thức về việc chống vi phạm khai thác IUU. Bởi, chỉ khi mỗi ngư dân tự có ý thức chấp hành pháp luật, cùng với sự vào cuộc của toàn thể bộ máy chính quyền, công cuộc gỡ "Thẻ vàng" EC mới có thể trở thành hiện thực. 

Giữa bao la biển nước, có thể, người ta nghĩ rằng chẳng ai biết mình vi phạm. Nhưng chỉ cần mỗi ngư dân làm đúng, chấp hành đúng luật pháp biển, thì một hành động nhỏ ấy thôi, cũng sẽ góp phần giữ gìn uy tín, thương hiệu của cả một quốc gia - và quan trọng hơn, là bảo vệ cho chính kế sinh nhai của bản thân, để đời sống ngư dân ngày một ấm no hơn. 


Năm 2023, Ban Chỉ đạo về IUU thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam thống kê: Đối với tàu cá Việt Nam đã xảy ra 31 vụ/ 52 tàu cá/ 390 ngư dân Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài truy đuổi, kiểm tra, bắt giữ, xử lý (giảm 43 vụ/ 58 tàu so với năm 2022). Trong đó, có 22 tàu chưa rõ số hiệu hoặc mang biển số giả nên chưa xác định được. Đối với tàu cá nước ngoài, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã tuyên truyền, xua đuổi 1.199 lượt tàu (tăng 370 lượt so với năm 2022) xâm phạm vùng biển Việt Nam, ghi số hiệu 356 tàu; lập biên bản, điểm chỉ hải đồ, phóng thích 19 tàu cá nước ngoài (giảm 31 tàu so với năm 2022), các tàu còn lại che hoặc xóa số hiệu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước