Tăng lương - điều đông đảo công chức, viên chức mong mỏi lâu nay

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 22/10/2022 11:52 GMT+7

VTV.vn - Việc tăng lương cơ sở đang được trình Quốc hội quyết định. Liệu ngân sách nhà nước có cáng đáng nổi và mức tăng này có đáp ứng được yêu cầu?

Việc nhiều nhưng lương và đãi ngộ lại rất khiêm tốn

Một vấn đề được dư luận rất quan tâm trong những ngày gần đây là tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Chính phủ đề xuất chưa thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2023.

Từ ngày 1/7 năm tới, sẽ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1,49 triệu lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (tăng hơn 20% so với hiện hành).

Chính phủ cũng dự kiến bố trí dự toán 61.000 tỷ đồng để đảm bảo nguồn, thực hiện chi cải cách tiền lương, lương hưu và điều chỉnh một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở.

Đây được cho là quyết định kịp thời bởi lộ trình tăng lương cơ sở cũng như thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII đã bị lùi lại so với kế hoạch do những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Đến nay, kinh tế đã bước qua giai đoạn khó khăn và đang trên đà phục hồi. Do vậy, việc tăng lương cơ sở là hết sức cần thiết, đây là điều mà công chức, viên chức đang mong mỏi, đợi chờ.

Việc nhiều nhưng lương và đãi ngộ lại rất khiêm tốn đó là thực trạng chung của cán bộ, công chức, viên chức. Cuộc sống của họ khá áp lực, nhất là khi sống ở các đô thị.

Tăng lương - điều đông đảo công chức, viên chức mong mỏi lâu nay - Ảnh 1.

Việc nhiều nhưng lương và đãi ngộ lại rất khiêm tốn đó là thực trạng chung của cán bộ, công chức, viên chức

Chế độ tiền lương, phụ cấp hiện hành dù đã được điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Nhưng thực tế, như ý kiến của một công chức ở Thành phố Hồ Chí Minh làm việc 15 năm, nhưng lương chỉ được có 6 triệu đồng, chắc chắn là rất khó khăn ở một nơi như Thành phố Hồ Chí Minh.

Chỉ tính riêng Thành phố Hồ Chí Minh, trong 2 năm qua, có hơn 6.100 công chức, người lao động xin nghỉ việc. Một trong những nguyên nhân căn bản được đưa ra là do lương thấp. Tăng lương, là điều mà đông đảo công chức, viên chức mong mỏi lâu nay.

Đảm bảo công chức, viên chức sống được bằng đồng lương của mình

Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: "Trong bối cảnh hiện nay, phương án điều chỉnh mức lương cơ sở cùng với các chính sách an sinh xã hội khác là hợp lý nhất, tối ưu nhất và an toàn nhất. Đây cũng là nỗ lực rất lớn của Chính phủ".

Sự nỗ lực trong bối cảnh hiện nay được được xã hội ủng hộ. Tăng lương cơ sở tiền đề để tiến tới cải cách tiền lương. Đây cũng yêu cầu bức thiết từ thực tiễn của cán bộ, công chức, viên chức. Nếu cứ duy trì mức lương "ba cọc, ba đồng" như nhiều người vẫn nói thì khu vực công sẽ khó giữ chân người tài.

Tăng lương - điều đông đảo công chức, viên chức mong mỏi lâu nay - Ảnh 2.

Lương cơ sở điều chỉnh hai mươi năm qua. Đồ họa: NLĐ

Ông Lê Hoàng Anh, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho biết: "Một công chức làm việc 6 - 8 năm, họ cũng chỉ được trên dưới 5 triệu đồng. Sống ở đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã thấy không đủ. Chính vì thế chúng ta phải tính toán đến việc tăng lương, và chúng ta phải sớm cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27. Đây cũng là vấn đề chúng ta phải quan tâm. Quyết tâm đặt vấn đề tăng lương là cần thiết, cấp bách thì chúng ta sẽ tính được nguồn".

Ông Hoàng Anh Công, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội nêu rõ: "Thời gian vừa qua, lượng cán bộ công chức, nhất là ngành y tế, chuyển ra bên ngoài rất nhiều, Lý do là đồng lương chưa đáp ứng được. Tăng lương có ý nghĩa quan trọng. Trong bối cảnh ngân sách của chúng ta hiện nay, tăng ở mức độ đó trong mức để ngân sách đáp ứng được. Tôi nghĩ trong thời gian tới chúng ta sẽ tăng theo lộ trình để mức nào đó chúng ta có thể mức lương cơ bản ấy sẽ đáp ứng được cuộc sống của người lao động, nhất là trong khối hành chính sự nghiệp NN".

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng chia sẻ: "Nếu để cải cách tiền lương, chúng ta phải có nguồn lực đủ mạnh. Hiện nay tôi nghĩ Chính phủ đang nỗ lực. Thứ nhất là cải cách tiền lương đi đôi với việc chúng ta sắp xếp lại các đơn vị và tinh giản biên chế bộ máy sao cho tinh gọn hiệu quả hơn. Song song với đó, chúng ta, có biện pháp đủ mạnh để phát triển kinh tế. Còn bây giờ vẫn biết thang bảng lương của chúng ta rất thấp tuy nhiên làm như thế nào để cải tiến được thì không phải ngày một ngày hai. Với sự nỗ lực của Chính phủ, tôi tin thời gian tới, việc công chức, viên chức sống được bằng đồng lương của mình thì cũng sẽ đảm bảo được".

Hy vọng rằng sẽ có sự đột phá về bức tranh tiền lương và động lực để xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian sắp tới bởi hầu hết cán bộ, công chức viên chức đi làm đều phấn đấu được đóng góp cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị và mong muốn có thể sống được bằng đồng lương. Đây là nhu cầu bức thiết và hết sức chính đáng.

Thực hiện các giải pháp tăng lương, rồi tiến đến cải cách tổng thể chính sách tiền lương là công việc cần được quan tâm một cách thích đáng bởi nếu tiến trình này, vì lý do gì đó mà bị chậm lại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động và sự phát triển của khu vực công. Bởi khi đồng lương không đủ sống, công chức, viên chức có năng lực sẽ khó có thể gắn bó lâu dài. Hoặc có thể vì lương thấp, sẽ là nguyên căn dẫn đến những nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ.

Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Sự kiện & bình luận là bà Nguyễn Bích Thu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ và ông Nguyễn Văn Tiên, Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước