Tây Nguyên vẫn nhức nhối tình trạng phá rừng

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 21/03/2022 06:31 GMT+7

Hiện trường vụ phá rừng tại Tiểu khu 486, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum (Ảnh: Dân trí)

VTV.vn - Chỉ trong 2 tháng đầu năm, liên tiếp các vụ khai thác gỗ trái phép tại Tây Nguyên bị phát hiện, hàng chục ha rừng đặc dụng đã bị tàn phá.

Tây Nguyên là khu vực có nhiều rừng gỗ quý và có giá trị kinh tế cao vì vậy đây là vùng đất mà bất cứ đối tượng lâm tặc nào cũng thèm muốn, khiến nạn khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật chưa bao giờ hết nóng.

Đầu tháng 3, một vụ phá rừng với quy mô lớn vừa được lực lượng chức năng huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum phát hiện tại tiểu khu 486, lâm phần do UBND thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông quản lý, giáp ranh với huyện Kon Rẫy. 26 gốc cây gỗ đã bị cưa hạ, một phần đã bị tẩu tán. Tổng khối lượng gỗ bị thiệt hại là gần 42m3. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kon Plông đã khẩn trương tổ chức điều tra, tiến hành bắt giữ 6 đối tượng liên quan đều ở huyện Kon Rẫy.

Tây Nguyên vẫn nhức nhối tình trạng phá rừng - Ảnh 1.

Cùng thời điểm này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk phát hiện một vụ khai thác gỗ trái pháp luật xảy ra tại tiểu khu 1219, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Krông Bông.

11 cây Pơ Mu bị khai thác trái trái phép. Một số phần thân cây đã bị lấy đi, chỉ còn lại cành, ngọn. Tổng khối lượng gỗ còn lại hiện trường gần 8m3, chưa xác định được đối tượng khai thác. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện Krông Bông kiểm tra, xác minh, mở rộng hiện trường, rà soát khu vực xảy ra vi phạm.

Tây Nguyên vẫn nhức nhối tình trạng phá rừng - Ảnh 2.

Phá rừng đặc dụng để làm đường khi chưa chuyển đổi.

Trước đó, vào tháng 2 năm nay, hàng chục ha rừng đặc dụng đã bị tàn phá trong quá trình thi công Dự án đường Trường Sơn Đông đoạn đi qua Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, tỉnh Đắk Lắk và Bidoup - Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng.

Các đơn vị thi công dự án đã tác động đến rừng và đất rừng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Hiện Đắk Lắk đã thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, xác minh và đề xuất hướng xử lý sai phạm của các đơn vị có liên quan. Sở NN&PTNT tỉnh Lâm đồng cũng đã có văn bản báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh, đề nghị chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan điều tra hình sự - Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Mỗi năm, thế giới mất đi khoảng 13 triệu ha rừng, đe dọa đa dạng sinh học trên cạn và sự sống các loài động, thực vật sống trong rừng. Từ năm 2013, Liên Hợp Quốc chọn ngày 21/3 hàng năm là Ngày quốc tế về rừng để kêu gọi toàn thế giới chung tay phục hồi loài và những cánh rừng đã mất. Chủ đề của năm 2022 là "Rừng và sản xuất và tiêu dùng bền vững".

Khoảng 1,6 tỷ người, bao gồm hơn 2.000 nền văn hóa bản địa phụ thuộc vào rừng để kiếm sống: thuốc men, nhiên liệu, thực phẩm và nơi ở. Việt Nam với độ che phủ rừng khoảng 42%, cao hơn mức bình quân thế giới là 29%, chúng ta đang tích cực thực hiện các dự án bảo vệ diện tích rừng hiện có, tăng diện tích rừng trồng. Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích vô giá về sinh thái, kinh tế, xã hội, sức khỏe.... nạn phá rừng trên toàn cầu vẫn ở mức báo động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước