Tây Ninh: Chạy đà để tăng tốc trong công tác chuyển đổi số

Duy Tuấn-Thứ bảy, ngày 22/10/2022 19:08 GMT+7

VTV.vn - Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030 vào nhóm các tỉnh thành thực hiện chuyển đổi số khá; hình thành đầy đủ nền tảng phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng hạ tầng CNTT - viễn thông, xây dựng các nền tảng công nghệ phục vụ cho chuyển đổi số, thời gian qua Tây Ninh đã tập trung các nguồn lực để xây dựng hạ tầng và nền tảng phục vụ chuyển đổi số của tỉnh.

Đến nay, hệ thống văn phòng điện tử của tỉnh đã được nâng cấp đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 về việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hệ thống hành chính Nhà nước. Các văn bản điện tử trao đổi và xử lý trên môi trường mạng được liên thông từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã nhanh chóng; thông tin chỉ đạo kịp thời, chính xác; nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều hành trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Hệ thống văn phòng điện tử đã được kết nối trên trục liên thông văn bản quốc gia...

Tây Ninh: Chạy đà để tăng tốc trong công tác chuyển đổi số - Ảnh 1.

Trung tâm điều hành thông minh IOC Tây Ninh (ảnh: Thùy Linh)

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Tây Ninh, lĩnh vực kinh tế số của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng chưa có; cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa mạnh mẽ; nhận thức về chuyển đổi số trong doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; công tác tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp chưa hiệu quả; công tác đào tạo, tập huấn xây dựng công dân số, doanh nghiệp số triển khai còn chậm…

Để khắc phục tình trạng trên, trên cơ sở Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, định hướng đến 2030, UBND tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện nhằm thúc đẩy nhanh xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng; kế hoạch phát triển doanh nghiệp số; kế hoạch thúc đẩy phát triển thương mại điện tử; kế hoạch triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt,… bước đầu đã mang lại một số kết quả đáng khích lệ và đã triển khai hiệu quả một số nền tảng dùng chung cho cả hệ thống chính trị của tỉnh.

Tây Ninh: Chạy đà để tăng tốc trong công tác chuyển đổi số - Ảnh 2.

Hệ thống giám sát an ninh giao thông (ảnh: Thùy Linh)

Theo ông Nguyễn Tấn Đức - Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Tây Ninh, cùng với việc triển khai các nền tảng dùng chung toàn tỉnh, một trong những kết quả bước đầu Tây Ninh đạt được trong tiến trình chuyển đổi số là đưa vào vận hành "Tây Ninh Smart" - ứng dụng duy nhất dùng chung cho toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Hiện ứng dụng đã có hơn 132.000 tài khoản đăng ký.

Ông Nguyến Tấn Đức cho biết, chương trình chuyển đổi số của tỉnh đã xác định mục tiêu đến năm 2025 Tây Ninh vào nhóm các tỉnh, thành phố chuyển đổi số khá; phát triển bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ KHCN, tăng năng suất lao động, tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển kinh tế số, xã hội số; khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp số trong tỉnh.

Mục tiêu đến năm 2030 Tây Ninh sẽ có tối thiểu 2 huyện, thị xã, thành phố đạt cơ bản nền tảng về đô thị thông minh; và mỗi huyện, thị xã, thành phố có tối thiểu 1 xã hoàn thành nền tảng chuyển đổi số.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước