Vì COVID-19, nhiều lễ hội đã tạm dừng, tháng Giêng trở thành tháng không ăn chơi", thiếu vắng những buổi tế lễ, thiếu vắng những ngày trảy hội đông đúc tưng bừng nhưng không vì thế mà tháng Giêng mất đi nét văn hóa truyền thống vốn có.
Ngôi làng im ắng mùa lễ hội
Không cờ quạt, không kèn trống, không váy áo xúng xinh, đình làng Cầu Đơ (Hà Đông, Hà Nội) rôm ra ngày nào nay chỉ còn những người dân đi làm việc dọn dẹp, sửa sang. Những người trẻ hơn thì lau đầu sư tử, đầu rồng để... cất đi hay khóa lại. Không khí lễ hội cũng vì thế mà không còn hiệu hữu ở đây.
Để đảm bảo an toàn phòng dịch, đình làng Cầu Đơ sẽ đóng cửa, việc lễ bái hàng ngày sẽ được cụ từ thực hiện thay mặt cho cả làng. Lễ hội không có đồng nghĩa với mừng thọ cũng không. Nhưng không vì thế mà không khí gia đình không còn.
Cụ ông Phùng Văn Nhâm - 90 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm nhưng sức khỏe vẫn còn là niềm tự hào - năm nay không có lễ mừng thọ tại sân đình nhưng 4 thế hệ con cháu lại tề tựu về đủ. Vậy là niềm vui vẫn trọn vẹn.
Nếu hỏi Việt Nam dịp đầu năm có bao nhiêu lễ hội lớn nhỏ, chắc khó ai có con số thống kê chính xác vì bản thân mỗi làng đều có một vị thành hoàng làng phù hộ nên dịp đầu năm rước kiệu, tế lễ tạ ơn chắc chắn đều được tiến hành.
Không chỉ vậy, lễ hội còn là dịp được mong chờ nhất trong năm bởi những phần hội đặc sắc, gắn liền với văn hóa, bản sắc của các vùng miền. Tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, tháng Giêng là tháng được mong chờ nhất trong năm với những lễ hội đấu vật trải dài hết cả tháng tại nhiều làng, xã trong huyện. Cả năm tập luyện, cả năm đợi chờ, những sàn đấu được trang hoàng, sang sửa cho những sới vật mở hàng năm mới nay lại im lìm chờ đợi. Người bên ngoài ngẩn ngơ một thì người địa phương tiếc nuối 10.
Không chỉ có hội vật ở Bắc Giang, rất nhiều lễ hội với những nghi thức độc đáo khác ở khắp mọi nơi cũng đã phải tạm ngừng để phòng chống dịch bệnh COVID-19. Thế nhưng, người dân vẫn tin tưởng "không tổ chức năm nay thì sang năm sẽ tổ chức". Chúng ta đã dần "thích nghi", sự thích nghi tạm gọi là 4.0.
Đi chùa online thời COVID-19
Năm 2021 là năm thứ hai lễ hội Khai ấn Đền Trần dừng tổ chức trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Vào đêm 25/2 (tức 14 tháng Giêng), các cụ cao niên làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng chỉ tiến hành các thủ tục tâm linh, dâng hương, cúng tế các Vua Trần. Nhà đền vẫn chuẩn bị ấn cho người dân có nhu cầu đăng ký xin ấn nhưng không phát ấn tập trung tại đền mà sẽ chuyển phát ấn qua đường bưu điện.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng thử nghiệm hình thức công đức thông qua ứng dụng ví điện tử MoMo. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam còn đưa ra phương án thử nghiệm cầu an, cúng dường trực tuyến để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân dịp đầu năm mới. 12 ngôi chùa được lựa chọn để thực hiện thí điểm việc cúng dường trực tuyến.
Nhiều người có lẽ vẫn còn băn khoăn với những thay đổi đó, sợ rằng mình không thể hiện được lòng thành với chốn linh thiêng. COVID-19 có lẽ cũng khiến chúng ta buộc phải suy nghĩ về những tồn tại trong quá trình tu tập lễ chùa của mình.
Vàng mã đốt gây ô nhiễm, cảnh chen chúc tranh giành trong lễ hội, những biến tướng nhiều năm khó thay đổi, nó khiến chúng ta hiểu rằng thế giới linh thiêng không phải chứng cho ai có mâm to cỗ đầy mà sẽ sẽ chứng cho kẻ lòng thành. Mọi đức tin, tín ngưỡng tôn giáo đều đề cao nhân cách, phẩm hạnh và cách chúng ta ứng xử với mọi người, với cuộc sống nhân tình thế thái. Đó mới là cách tu tập, lễ nghĩa tốt nhất.
Nhu cầu tâm linh vào dịp đầu năm là nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người. Năm mới, ai cũng mong khởi đầu tốt đẹp. Điều đó được đảm bảo bởi yếu tố tinh thần, đó là vì sao cá nhân, gia đình đến cơ sở tín ngưỡng cầu mong an lành. Theo chuyên gia, những động lực về mặt tinh thần mang tính chủ quan và là trải nghiệm của mỗi người. Yếu tố đó có thể thay đổi từ nhận thức và trong thực hành.
Trong nguy có cơ và nếu nhìn theo hướng tích cực, những thói quen truyền thống có thể thay đổi theo hướng văn minh, đảm bảo sự vận hành của xã hội công nghiệp, đòi hỏi tác phong nhanh nhẹn, hài hòa trong sự phát triển chung của đất nước.
Khi sức khỏe cộng đồng được đặt lên hàng đầu thì những thay đổi ở bất cứ phương diện nào cũng là cần thiết. Lễ từ tâm, bản chất là như vậy để chúng ta không thấy áy náy khi không thể tự tay dâng hương thành kính nơi cửa đền chùa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!