Quyết định nêu rõ: Thành lập Ban chỉ đạo tiền phương tại thành phố Đà Nẵng để chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4 năm 2022 (cơn bão có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự kiến sẽ đổ bộ trực tiếp vào khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ).
Thành phần Ban Chỉ đạo tiền phương:
Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Phó Trưởng ban: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai làm Phó Trưởng ban thường trực.
Các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các bộ và cơ quan.
Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo tiền phương:
Ban chỉ đạo tiền phương có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 4, đảm bảo kịp thời, hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của nhân dân, hạn chế thiệt hại do bão. Chỉ đạo, giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh, thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ NN&PTNT, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai chủ trì, phối hợp với UBND TP Đà Nẵng và các bộ, ngành liên quan đảm bảo công tác hậu cần, bố trí phương tiện, trang thiết bị, thông tin liên lạc phục vụ cho hoạt động của Ban Chỉ đạo tiền phương trong mọi tình huống.
Ban Chỉ đạo tiền phương tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 17h, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 116,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 580km về phía Đông. Gió cấp12-13, giật cấp15
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km có xu hướng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 320km, cách Quảng Nam khoảng 270km, cách Quảng Ngãi khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 16.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 118,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km đi vào đất liền Trung Trung Bộ, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu dần. Đến 16 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/giờ), giật cấp 11.
Hiện đã thông báo hướng dẫn cho 57.840 phương tiện/299.678 người biết diễn biến và hướng đi của bão để chủ động di chuyển, thoát khỏi vực nguy hiểm. Còn 51 tàu/437 người đang trong vùng nguy hiểm.
Các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên đã tổ chức cấm biển. Riêng Khánh Hòa dự kiến cấm biển vào 14h ngày 27/9.
16/16 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và Gia Lai, Kon Tum đã có công điện và văn bản chỉ đạo ứng phó với bão, mưa lũ. Các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã có kế hoạch cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!