Chưa trải qua một lớp đào tạo sư phạm nào, thậm chí chưa lập gia đình, chưa có con nhỏ, thế nhưng cách đây hơn 40 năm, chàng trai trẻ Bùi Văn Bông đã mạnh dạn nhận trách nhiệm dạy học cho trẻ em trong bản nơi mình sinh sống. Đến bây giờ, chàng trai trẻ năm nào vẫn gắn bó với công việc dạy học, trở thành thầy giáo Bông kính mến của bao thế hệ mầm non ở xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Với suy nghĩ cái chữ sẽ thay đổi cuộc sống, tạo nên tương lai tốt đẹp hơn cho con em mình, cả bản Kho Mường tin tưởng, giao hết trách nhiệm cho chàng trai trẻ Bùi Văn Bông khi ấy còn chưa tròn 20 tuổi, là một trong số ít người Mường biết chữ trong bản. Lớp học bắt đầu trên nền đất, dưới gầm một nhà sàn, các em học sinh chủ yếu là người dân tộc Mường, Thái ở khắp các bản xa xôi tập trung tới học. Thầy Bông vì thế vừa là người anh, người cha, người mẹ dạy trẻ đọc viết, múa hát, chăm sóc các em nhỏ.
Mãi sau này, thầy Bông mới được học thêm về chuyên môn sư phạm và sau 21 năm giảng dạy mới chính thức vào biên chế của trường Mầm non Thành Sơn. Trải qua từng ấy thời gian với biết bao khó khăn, đổi lại là sự tin tưởng, yêu mến của rất nhiều học trò, phụ huynh.
Từ câu chuyện của thầy Bông, nhiều thầy giáo trẻ cũng chẳng ngại khó khăn, bỏ qua những định kiến của xã hội để trở thành giáo viên mầm non. Hiện nay, Bá Thước là huyện có số lượng thầy giáo dạy mầm non nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa, với 16 thầy giáo. Trong đó, có không ít thầy giáo là con em người Mường, người Thái, theo học sư phạm và trở về tiếp tục nuôi dạy, chăm sóc các thế hệ học sinh nên người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!