Sự hài lòng và nụ cười hạnh phúc của những người dân nông thôn là thước đo rõ nét nhất cho sự thay đổi của nông thôn Việt Nam. Điều này càng được thể hiện rõ hơn qua Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Mọi mặt của đời sống nông thôn đã đổi thay sau 15 năm thực hiện Nghị quyết. Thu nhập của người dân không ngừng được nâng cao. Nông sản của Việt Nam có mặt ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. Quy mô xuất khẩu nông sản tăng bình quân 8%/năm và năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm bình quân 1 - 1,5%/năm.
Tiếp nối những thành tựu của Nghị quyết 26, Nghị quyết 19 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa ban hành đặc biệt nhấn mạnh vai trò chủ thể của nông dân. Theo đó, người nông dân khi được trang bị tri thức sẽ quyết định được việc làm của mình để nâng cao đời sống, góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh. Một thế hệ nông dân hiện đại và văn minh đang dần được hình thành.
Làm nông là một nghề có tri thức. Theo nhiều chuyên gia, đào tạo và trao quyền là cách để hình thành nông dân của thời đại chuyển đổi số, là cách để Việt Nam có một nền kinh tế nông nghiệp dựa trên tư duy công nghiệp.
Người nông dân hạnh phúc là những người được sống ở những miền quê hạnh phúc với đầy đủ cơ sở vật chất và đời sống tinh thần được chăm lo đúng mức. Vì thế, Nghị quyết 19 đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nông thôn mới với các yêu cầu cao hơn. Đó là phải phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân từ đó, chúng ta sẽ tiếp tục nhân lên những miền quê đáng sống.
Cả nước đã có hơn 5.800 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 17 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đó là những con số biết nói cho thấy sức mạnh khi người dân được xác định là chủ thể. Hàng nghìn km đường nông thôn được mở rộng và bê tông hóa nhờ chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ.
Nhưng bên cạnh niềm vui đổi thay, vẫn còn đó những tâm tư khi bức tranh nông thôn có xu hướng "đô thị hóa nông thôn, đồng bằng hóa miền núi, bê tông hóa miền quê". Cảnh quan, không gian văn hóa truyền thống của nông thôn Việt Nam bị phá vỡ. Do vậy, Nghị quyết 19 cũng đặt ra mục tiêu nông thôn Việt Nam phải là một môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; mang sắc thái riêng của từng vùng miền, tránh đồng phục hóa nông thôn.
Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ gắn với cơ cấu lại lao động, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân và cư dân nông thôn cũng là mục tiêu lớn mà Đảng ta đặt ra. Trong đó, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị được coi là giải pháp then chốt để nông thôn theo kịp với thành thị.
Thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới tới tận cấp thôn, bản.
Nghị quyết 19 đã hướng đến mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Chúng ta cùng kỳ vọng với sự đồng lòng của mỗi người dân, doanh nghiệp, các cấp chính quyền, Nghị quyết sẽ tác động sâu rộng vào đời sống nông thôn, thực sự là đòn bẩy giúp hàng triệu nông dân Việt Nam trở thành những người nông dân hạnh phúc trên chính quê hương mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!