Xây dựng thế hệ nông dân mới của thời chuyển đổi số

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 04/08/2022 19:38 GMT+7

VTV.vn - Nghị quyết 19 xác định nông dân trong giai đoạn 10-15 năm tới không chỉ là chủ thể mà còn là trung tâm của quá trình phát triển.

Gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26 với việc trao quyền chủ thể, nông dân cả nước đã có những bước thay đổi cả về tư duy và hành động. Từ đây, Nghị quyết 19 xác định nông dân trong giai đoạn 10-15 năm tới không chỉ là chủ thể mà còn là trung tâm của quá trình phát triển, nghĩa là vai trò và vị thế của nông dân phải khác trước. Muốn vậy, tri thức hóa nông dân là một chủ trương lớn để có thể hình thành một thế hệ nông dân mới.

Cánh đồng không dấu chân đang được nhân rộng tại An Giang. Những nông dân như ông Đặng Thái Hiện (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) đã không còn cảnh chân lấm tay bùn. Sở hữu diện tích lớn, làm chủ máy móc hiện đại, cập nhật công nghệ mới là chân dung của những nông dân ĐBSCL hiện nay.

Xây dựng thế hệ nông dân mới của thời chuyển đổi số - Ảnh 1.

Theo GS.TS Trần Đức Viên, nền nông nghiệp dựa trên đúc rút kinh nghiệm từ những lão nông tri điền đã qua. Việt Nam đang chuyển mạnh sang nông nghiệp có hàm lượng tri thức, công nghệ nhưng nông dân hiện đang thiếu cả thông tin, kiến thức và kỹ năng.

"Kỹ năng tổ chức, kỹ năng thực hiện, kỹ năng quản trị đồng ruộng là 3 yếu nhất của nông dân. Muốn thay đổi phải đào tạo một thế hệ nông dân mới của thời chuyển đổi số, nhà nước đào tạo họ và coi việc đào tạo như đầu tư cho phát triển nông thôn. Từ đó hình thành các tầng lớp nông dân mới, họ là các doanh nhân trên đồng ruộng của họ", GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh.

Tại Đồng Tháp, những năm gần đây, mô hình hội quán được đánh giá như một bước khởi động cho tiến trình tri thức hóa nông dân. Người đứng đầu "Hội quán" là những nông dân có học hành, có chí làm giàu từ nông nghiệp, từ đó lan tỏa tri thức, thay đổi hành vi cộng đồng. Đã có 31 hội quán trở thành hợp tác xã lớn mạnh.

Theo tính toán trong 10-15 năm tới sẽ có khoảng 25 triệu dân nông thôn chuyển thành dân đô thị. Khi đó, lớp nông dân chuyên nghiệp sẽ còn khoảng 5-10%. Làm nông là một nghề có tri thức. Theo nhiều chuyên gia, tổ chức lại đào tạo và trao quyền là cách để Việt Nam có một nền kinh tế nông nghiệp dựa trên tư duy công nghiệp từ thế hệ nông dân mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước