Thẻ xanh COVID-19 vẫn đang vướng ở đâu?

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 16/09/2021 20:46 GMT+7

VTV.vn - Vì nhiều lý do, tốc độ cập nhật thông tin người đã tiêm đang bị chậm trễ, chưa kể rất nhiều ứng dụng cập nhật thông tin tiêm chủng khiến người dân gặp không ít khó khăn.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang có tốc độ tiêm vaccine nhanh nhất trên toàn quốc. Đây là điều kiện quan trọng để dần nới lỏng giãn cách xã hội ở 2 đô thị lớn nhất cả nước.

Sau khi tiêm xong, người dân sẽ được cấp giấy chứng nhận tiêm chủng, đồng thời được cập nhật lên sổ sức khỏe điện tử để tiện cho việc di chuyển. Nhưng vì nhiều lý do mà tốc độ cập nhật thông tin người đã tiêm đang bị chậm trễ, chưa kể hiện có cả tá các ứng dụng cập nhật thông tin tiêm chủng khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn.

Thẻ xanh COVID-19 vẫn đang vướng ở đâu? - Ảnh 1.

Tăng tốc nhập dữ liệu tiêm vaccine phòng COVID-19

TP Hồ Chí Minh có thể sẽ áp dụng thẻ xanh COVID-19 để kiểm soát việc đi lại của người dân trong thời gian tới. Trong đó, việc chứng nhận hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine là một trong những điều kiện tiên quyết để có "tấm giấy thông hành" Tuy nhiên, đến nay, rất nhiều người dân phản ánh, dù đã hoàn thành tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử vẫn chưa ghi nhận thông tin.

Theo thống kê, có hàng trăm nghìn mũi tiêm chưa được cập nhật hoặc bị nhầm dữ liệu. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh một lần nữa đã phải đốc thúc các đơn vị cần cập nhật nhanh hơn nữa dữ liệu mũi tiêm cho người dân.

Theo các cơ sở y tế, sở dĩ hệ thống chậm ghi nhận mũi tiêm cho người dân chủ yếu nằm ở khâu nhập liệu. Đại diện của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, nhiều người dân khi đăng ký thông tin tiêm chủng đã cung cấp sai ngày - tháng - năm sinh, số điện thoại, địa chỉ, giới tính, thậm chí trùng số điện thoại hoặc cũng có trường hợp tiêm 2 mũi ở 2 cơ sở y tế khác nhau và có sự sai sót trong nhập liệu ở 1 nơi. Để tăng tốc nhập liệu, Bệnh viện đã tuyển tình nguyện viên.

Trung tâm y tế TP Thủ Đức - Khu vực 2 cho biết, các trường hợp được tiêm chủng tại đây đều được nhập liệu cùng lúc với quá trình tiêm vaccine, do đó không có hồ sơ tồn đọng. Còn ở các điểm tiêm lưu động, việc nhập liệu do tình nguyện viên của Thành đoàn TP chịu trrách nhiệm.

Đội hình nhập liệu của Thành đoàn có thời điểm duy trì hơn 2.000 tình nguyện viên để hỗ trợ các cơ sở y tế trong việc ghi nhận thông tin tiêm chủng. Đơn vị này đang cố gắng hỗ trợ để việc nhập liệu cho người dân trên Sổ sức khỏe điện tử hoàn thành trước ngày 30/9.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định, các đơn vị chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu người đã tiêm tại đơn vị chưa được nhập thông tin lên hệ thống, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân. Tình hình này không chỉ diễn ra tại TP Hồ Chí Minh mà còn tại nhiều tỉnh/thành khác cũng vậy.

Hướng dẫn cập nhật thông tin tiêm chủng

Thẻ xanh COVID-19 vẫn đang vướng ở đâu? - Ảnh 2.

Do số lượng người tiêm quá đông cùng lúc nên một số cơ sở y tế chưa kịp cập nhật thông tin lên hệ thống. Vì vậy, người dân có thể tự điền thông tin của mình và gửi đến cổng thông tin tiêm chủng phòng COVID-19 để được cập nhật các mũi tiêm. Việc gửi yêu cầu cập nhật, chỉnh sửa thông tin có thể thực hiện trên máy tính hoặc điện thoại di động. Cụ thể các bước như sau:

- Bước 1: Truy cập đường dẫn... tiemchungcovid19.gov.vn chọn mục "Phản ánh thông tin"

https: //tiemchungcovid19.gov.vn

- Bước 2: Điền đầy đủ thông tin cần thiết, như: họ tên, ngày tháng năm sinh, điện thoại, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân. Lựa chọn 1 trong 3 loại phản ánh phù hợp:

- Tôi đã tiêm mũi 1 nhưng chưa có Chứng nhận tiêm

- Tôi đã tiêm mũi 2 nhưng chỉ có Chứng nhận tiêm mũi 1

- Tôi đã tiêm cả 2 mũi nhưng chưa có Chứng nhận tiêm mũi 1 và mũi 2

- Bước 3: Điền thông tin của mũi tiêm và tải ảnh chụp hoặc file "GIẤY XÁC NHẬN ĐÃ TIÊM VACCINE COVID-19"

- Bước 4: Nhập mã xác nhận và bấm "Gửi phản hồi"

- Bước 5: Nhập mã OTP nhận được từ số điện thoại cung cấp tại bước 2 vào phần "Xác thực OTP" và bấm "Xác nhận" để kết thúc phản ánh.

Loạn ứng dụng khai báo y tế

Thẻ xanh COVID-19 vẫn đang vướng ở đâu? - Ảnh 3.

Để cập nhật thông tin, khai báo y tế hỗ trợ phòng chống COVID-19 trên điện thoại thông minh hiện có tới hàng chục ứng dụng khác nhau. Thậm chí, "loạn app" là phàn nàn của người dân khi không biết nên chọn dùng ứng dụng nào. Mỗi đơn vị yêu cầu khai báo thông tin cá nhân mỗi kiểu, dẫn đến bất cập và gây bất tiện cho người dân.

- Hiện tôi đang có 3 app. Chả biết nên dùng cái nào.

- Tôi cài 4 app trên điện thoại, không biết cái nào là chính thức.

- Hôm nay app này, ngày mai lại ra app khác. Giờ không biết cái app nào luôn.

- Chỉ cần một app khai báo y tế, trong đó nhiều nội dung để người dân lựa chọn cho phù hợp và đầy đủ là được rồi.

Đây chỉ là một vài trong hàng loạt ý kiến liên quan đến cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử toàn dân, truy vết và quản lý tiêm chủng.

Việt Nam hiện có khoảng 20 phần mềm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Mỗi ứng dụng đều yêu cầu khai báo thông tin cá nhân và cho ra một mã QR mà thiếu kết nối với nhau. Người dùng băn khoăn thông tin khai báo có được bảo mật không?

Trước thực tế có quá nhiều ứng dụng, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, tiến tới hoàn thiện thống nhất một phần mềm công nghệ thông tin quản lý khai báo y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã làm việc này rồi. Từ lúc chưa có vaccine, khi thấy nhiều quốc gia châu Âu dự định sẽ cấp giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19, Ủy ban châu Âu đã nhận ra nhu cầu phải có một chứng chỉ chung cho toàn bộ 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu. Giờ đây, 500 triệu người tại 27 quốc gia đi lại tự do xuyên biên giới, nhờ dùng chung một ứng dụng thẻ xanh COVID-19 nhất quán.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước