Nắng nóng gay gắt kéo dài đã ảnh hưởng tới các khu vực Bắc Bộ. Lượng điện tiêu thụ trong những ngày này cũng tăng đột biến, bởi vậy, người dân lại có nhu cầu mua sắm các thiết bị tiết kiệm điện được quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội.
Nếu dạo qua một vòng trên mạng xã hội, bạn sẽ không khó để tìm mua một thiết bị tiết kiệm điện đủ loại mẫu mã. Giá tiền giao động từ 100.000 đồng đến hơn 2 triệu đồng. Trong vai người mua, phóng viên đã gọi đến một cửa hàng để được tư vấn. Sản phẩm được quảng cáo sản xuất theo công nghệ của Đức nhưng nhà máy ở Trung Quốc, tiết kiệm từ 10 đến 30% lượng điện tiêu thụ, giá bán 380.000 đồng.
Ông Đặng Trần Chuyên - Giám đốc Trung tâm điện tử viễn thông, Bộ Công Thương - thử nghiệm thiết bị được quảng cáo có khả năng tiết kiệm điện.
Những mặt hàng này đa phần là chỉ bán online nên khách hàng rất khó để có thể có thể kiểm tra được hàng hóa. Sau khi hàng giao đến tay, phía bên trong có một tờ giấy giới thiệu bằng tiếng nước ngoài, đáng chú ý với dòng quảng cáo "tiết kiệm từ 20% đến 50%" khác hẳn so với những gì người bán đã nói trước đó.
Ông Đặng Trần Chuyên - Giám đốc Trung tâm điện tử viễn thông, Bộ Công Thương - khẳng định các thiết bị điện hiện nay được sử dụng công nghệ inverter, lắp bộ này không có tác dụng gì, thậm chí chỉ tăng thêm dòng điện.
Để chứng minh, chuyên gia đã làm thí nghiệm với đồng hồ đo dòng chuyên dụng. Thiết bị điện được thí nghiệm là một chiếc quạt. Lúc này, dòng điện của chiếc quạt đo được là 0,2 Ampe. Ngay sau khi bật công tắc của thiết bị tiết kiệm điện, dòng điện đã tăng lên là 0,5 Ampe. Như vậy, đúng như lời chuyên gia nói ban đầu, thiết bị này hoàn toàn không thể tiết kiệm điện.
Cấu tạo đơn giản bên trong thiết bị.
Khi mở thiết bị được quảng cáo tiết kiệm điện, cấu tạo bên trong chỉ có 1 tụ và một số linh kiện rất đơn giản chỉ để sáng đèn và… trang trí, không có tác dụng.
Một trong những lý do để người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra hơn 300.000 đồng để mua một sản phẩm không hề có chút tác dụng nào như thiết bị tiêt kiệm điện này là vì những clip quảng cáo trên mạng với những hình ảnh khi cắm thiết bị này, đồng hồ đo lượng điện tiêu thụ đã giảm xuống một nửa.
Tiếp tục thực hiện thí nghiệm như ban đầu với một chiếc quạt nhưng được cắm song song với 1 máy sấy. Khi bật công tắc của quạt và máy sấy, thông số đo được là 2,8 Ampe. Tiếp theo đó là bật công tắc của thiết bị điện và nhanh chóng tắt công tắc của máy sấy, lượng điện đã giảm đi còn 0,4 Ampe. Đương nhiên, trong clip quảng cáo sẽ không hề có hình ảnh đó mà sẽ chỉ có cảnh quay dòng điện tiêu thụ được giảm xuống để đánh lừa người tiêu dùng.
EVN cũng đã đưa ra cảnh báo về việc quảng cáo sai sự thật của những thiết bị tiết kiệm điện, bên cạnh đó còn có các thiết bị khác như thẻ tiết kiệm điện. Các thiết bị này hoàn toàn không được Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường; chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo. Tất cả chỉ là chiêu trò lừa đảo của các gian thương nhằm đánh vào tâm lý của người tiêu dùng. Tiết kiệm điện chỉ có thể trực tiếp từ chính các đồ dùng thiết bị điện có sử dụng công nghệ tiết kiệm điện và thói quen sử dụng tiết kiệm điện của mỗi gia đình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!