Là một xã cù lao thuộc TP. Cao Lãnh, thời gian gần đây, xã Tân Thuận Đông được quan tâm đầu tư về nhiều mặt, trong đó có du lịch, đặc biệt là khu chợ quê Tân Thuận Đông nhận được lượng khách rất lớn từ khắp nơi đổ về vui chơi giải trí hàng tuần nhưng khi có nhu cầu về tiền mặt, trên địa bàn xã không có nơi nào để đáp ứng.
Ông Phan Văn Bé, xã Tân Thuận Đông, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp, cho biết: "Gần nhất Tân Thuận Đông là phải chạy ra Trung tâm TP. Cao Lãnh, phường 1, phường 2, nếu mà Đông Định thì đi qua đây phải mất 2 cái đò".
Không phải qua đò, nhưng người dân tại xã Tân Hội Trung cũng phải đi từ 6 đến 10 km để tới trung tâm Thị trấn mỗi khi có lương hoặc nhận trợ cấp xã hội. Xã Tân Hội Trung và nhiều xã lân cận cũng chung tình cảnh tương tự.
Ông Nguyễn Hoàng Tân, xã Tân Hội Trung, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp, nói: "Tân Hội Trung là xã vùng sâu nhưng tiếp giáp rất nhiều xã, nếu lắp trụ ATM ở đây thì sẽ giảm tải cho Trung tâm huyện mỗi lần chi trả lương, chi trả chính sách cho người già neo đơn, tàn tật đi lại khó khăn".
Đây không phải là vấn đề cá biệt, nhất là khi việc chi trả an sinh xã hội thông qua tài khoản ngân hàng đang được đẩy mạnh.
Theo Ngân hàng nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, hiện, toàn tỉnh có khoảng 200 máy giao dịch tự động đã đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, theo quan sát, các máy giao dịch tự động chủ yếu tập trung ở các khu vực trung tâm. Lý giải cho việc này, lãnh đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc lắp đặt thêm các máy ATM do còn phải đảm bảo các tiêu chí như nhu cầu giao dịch của khách hàng; tình hình an ninh, an toàn tại nơi lắp đặt. Đối với các địa phương có nhu cầu cao nhưng đang thiếu máy ATM, đơn vị sẽ phối hợp rà soát, ưu tiên lắp mới hoặc điều chuyển các máy giao dịch tự động giữa các địa phương, nhằm đảm bảo nhu cầu cho người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!