Thiếu nhà trẻ trong khu công nghiệp: Tháo gỡ ra sao?

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 05/10/2022 08:49 GMT+7

VTV.vn - Nhu cầu gửi trẻ trong khu công nghiệp đang ngày càng gia tăng, trong khi nhà trẻ công lập thì thiếu, nhà trẻ tư thục thì chi phí cao và nhiều rủi ro về chất lượng.

Hiện nay, giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được đưa vào diện ưu tiên phát triển như đối với giáo dục mầm non ở các vùng sâu, vùng xa... Ðiều này thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Chính phủ trước thực trạng khó khăn của giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp trong thời gian qua. Tuy nhiên, quá trình chuyển động để chính sách đi vào thực tế tại các địa phương vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Cả nước có gần 300 khu công nghiệp đang hoạt động, với hơn 4 triệu công nhân. Tuy nhiên, độ bao phủ của trường mầm non, nhất là nhà trẻ còn rất thấp, khoảng 25%.

Ghi nhận tại tỉnh Thừa Thiên Huế, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tạ từ huyện miền núi A Lưới về làm công nhân tại Khu công nghiệp Phú Bài được 4 năm. Khu công nghiệp thì không có cơ sở trông giữ trẻ, 2 vợ chồng đi làm nên anh Tạ đành gửi con gái 4 tuổi cho ông bà nội ở A Lưới để trông giữ. Nhớ con, nhưng vợ chồng anh cũng đành phải xa con.

Đến giờ người lao động đi làm, tất cả những khu trọ của công nhân gần các Khu công nghiệp tỉnh TT Huế đều đóng cửa. Đối với những gia đình có con nhỏ, người lao động đành phải gửi con ở các nhóm giữ trẻ tư nhân gần khu công nghiệp, vẫn biết là các cơ sở tư nhân giữ trẻ tự phát thì không đủ điều kiện trông giữ trẻ, nhưng người lao động không còn cách nào khác, vẫn phải gửi con ở đây để đi làm.

Bà Lê Thị Thu Nam - Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, hiện tại, con của người lao động hầu hết gửi tại các cơ sở tư nhân không đảm bảo quy định, và như vậy rất thiệt thòi cho người lao động ở khu công nghiệp.

Tỉnh TT Huế hiện nay có 6 khu công nghiệp và 1 khu kinh tế với tổng số hơn 41 ngàn người lao động, trong đó lao động nữ là 24.600 người. Phần lớn những người lao động ở trong độ tuổi có con nhỏ, vì vậy nhu cầu cần các cơ sở giữ trẻ tại các khu công nghiệp là rất lớn. Nhưng trên thực tế, ngoài 1 trường mầm non duy nhất của Công ty Scavi Huế ở Khu công nghiệp Phong Điền, tỉnh TT Huế không có một trường mầm non nào khác cho người lao động ở khu công nghiệp.

Công nhân còn có đặc thù là đa số làm việc tăng ca. Bởi không tăng ca thì không có thêm thu nhập đủ sống. Nhưng tăng ca thì khó có trường mầm non công lập nào nhận giữ trẻ đến 19-20h. Bởi vậy, dù đồng lương eo hẹp nhưng công nhân lựa chọn cho con học trường tư, nhóm trẻ gia đình thay vì gửi con vào trường mầm non công lập, vì không có lựa chọn nào khác.

Phần lớn các công nhân làm việc tại TP Hồ Chí Minh không có hộ khẩu, không có tạm trú dài hạn. Tuy nhiên, để xin cho con học trường công thì đây lại là yếu tố bắt buộc. Hiểu được khó khó khăn này của công nhân, không ít chủ nhà trọ cho phép công nhân nhập khẩu vào gia đình hoặc chủ động đăng kí tạm trú dài hạn. Thế nhưng, con đường để con công nhân học trường công vẫn lắm chông gai.

Hiện, TP Hồ Chí Minh có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với gần 278.000 công nhân. Trong đó trên 53% là nữ và phần lớn trong độ tuổi sinh con. Tuy vậy, trong nội bộ và liền kề các khu công nghiệp chỉ mới có 24 trường mầm non, đáp ứng chỗ học cho gần 8.900 trẻ.

Kể từ khi Bộ Luật Lao động 2019 được ban hành, một số chính sách đặc thù dành riêng liên quan đến cải thiện điều kiện chăm lo, hỗ trợ, giáo dục con công nhân đã được Chính phủ ban hành và triển khai. Điều này là một động lực, một bước đột phá rất lớn về chính sách chăm lo cho con công nhân lao động của Nhà nước. Bởi trước khi bộ Luật Lao động 2019 được ban hành, chưa có một ưu tiên cụ thể hướng đến đối tượng trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo là con công nhân làm việc tại các KCN.

NHỮNG CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN CỦA NHÀ NƯỚC


- Cụ thể, ngay trong Bộ Luật Lao động 2019, đã có quy định Nhà nước có trách nhiệm xây dựng nhà trẻ mẫu giáo cho con công nhân nơi có nhiều lao động nữ, không phân biệt CNLĐ trong hay ngoài KCN.

- Sau khi có luật, Nghị định 105 ban hành năm 2020 còn quy định hỗ trợ tài chính loại hình này. Theo đó, các trường, nhóm lớp mầm non dân lập, tư thục trên địa bàn có KCN, nếu có tối thiểu 30% trẻ là con công nhân, người lao động, thi được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 01 lần, tối thiểu là 20 triệu đồng

- Giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN được hỗ trợ tối thiểu 800 nghìn đồng/tháng

- Nghị định 145 ban hành năm 2020 quy định rõ "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí dành quỹ đất xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động trong kế hoạch sử dụng đất của địa phương; xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người lao động"

Các KCN, KCX hiện nay là một trong những mũi nhọn kinh tế của đất nước, là nơi tạo ra sản phẩm, công ăn việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách, nhưng rõ ràng là còn nhiều bất cập chăm lo cho người lao động. Việc ưu tiên quỹ đất để xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân lao động tại các khu công nghiệp đang là nhu cầu thật sự bức thiết, song song với đó là tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng trường mầm non ở khu vực này.

Việc có trường học an toàn không chỉ đem đến sự yên tâm cho người lao động, cho sự phát triển của doanh nghiệp mà còn bảo đảm bình đẳng về quyền lợi cho mọi trẻ em.

Ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Bộ LĐ-TB&XH sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.

- Luật lao động 2019: Nhà nước có trách nhiệm xây nhà trẻ mẫu giáo

- Nghị đinh 105: Trường dân lập, tư thục được hỗ trợ 20 triệu đồng

- Nghị đinh 105: Giáo viên dân lập, tư thục: hỗ trợ 800 nghìn đồng/ tháng

- Nghị định 145: UBND tỉnh bố trí quỹ đất xây nhà trẻ, lớp mẫu giáo

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước