Bệnh viện dã chiến số 8 (tỉnh Nghệ An) hiện đang tiếp nhận điều trị cho gần 800 bệnh nhân COVID-19 với nhiều lứa tuổi và chủ yếu đều có bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư và phụ nữ đang mang thai. Tuy nhiên, chỉ có chưa đến 50 bác sĩ, điều dưỡng thực hiện nhiệm vụ điều trị và chăm sóc toàn diện. Mỗi nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ PPE phải làm việc 6 - 8 tiếng/ngày không ăn uống, có những người đã làm việc liên tục ở đây hơn 3 tháng.
Trong khi đó, Trung tâm hồi sức tích cực số 1 tỉnh Nghệ An, nơi điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 nặng, cũng trong hoàn cảnh tương tự. Cơ cấu chỉ 100 giường, nhưng hiện Trumg tâm đang điều trị cho hơn 250 bệnh nhân COVID-19 nặng, chủ yếu phải thở máy. Lực lượng nhân viên y tế tại đây cũng chỉ có 20 bác sĩ, 30 điều dưỡng.
Điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng. (Ảnh minh họa: TTXVN. )
TS.BS Quế Anh Trâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, chia sẻ: "Với số lượng F0 vẫn tăng mỗi ngày và rải đều ở các địa phương, hiện hệ thống y tế tỉnh Nghệ An chịu áp lực rất lớn về nhiều mặt, trong đó thiếu nhân lực là vấn đề nan giải nhất".
Theo CDC tỉnh Nghệ An, mỗi ngày trung bình có từ 1.500 - 2.000 ca mắc COVID-19 mới ở địa phương này. Để giảm áp lực cho ngành y tế, giảm các ca bệnh nặng và tử vong do COVID-19, mỗi người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch. Các đối tượng F0 có triệu chứng nhẹ cần liên hệ với cán bộ trạm y tế để được hướng dẫn điều trị tại nhà.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!