Thu 3,5 triệu đồng tiền lắp đặt đồng hồ nước sạch: Thỏa thuận hay áp đặt?

VTV Digital-Thứ hai, ngày 26/06/2023 12:26 GMT+7

VTV.vn - Nghịch lý người dân ngoại thành Thủ đô đang mưu cầu nước sạch nhưng lại nhất quyết không muốn kí hợp đồng lắp đặt mua nước. Nguyên nhân vì chiếc đồng hồ nước.

Đưa nước sạch về nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân là chủ trương đúng đắn, thực sự cần thiết trong bối cảnh nhiều nơi đang lâm vào tình cảnh thiếu nước sạch trầm trọng. Tuy nhiên, cách triển khai như thế nào để tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân mới là điều quan trọng.

Với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhà máy nước sạch của Công ty cổ phần cấp nước Mê Linh được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của hơn 36.000 hộ dân trên địa bàn huyện Mê Linh. Thế nhưng, nghịch lý lại xảy ra khi mà đến nay, dù đường ống nước sạch đã bao phủ khu dân cư, nhưng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tại đây vẫn còn ở mức thấp… Vì thế, cơn khát nước sạch với các hộ dân dù đã kéo dài từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được chấm dứt.

Thu 3,5 triệu đồng tiền lắp đặt đồng hồ nước sạch: Thỏa thuận hay áp đặt? - Ảnh 2.

Tại địa bàn huyện Mê Linh có tình trạng người dân thiếu nước sạch và mong muốn sử dụng nước sạch, nhưng mà lại chưa mặn mà khi dự án nước sạch triển khai. Câu chuyện có vẻ như là nghịch lý này lại đang bắt đầu từ đường ống và đồng hồ nước.

Muốn được sử dụng nước sạch, theo phản ánh của người dân, bắt buộc phải nộp 3,5 triệu đồng để lắp đặt đồng hồ nước, theo phát giá của Công ty Cổ phần Cấp nước Mê Linh.

Được khởi công từ năm 2018, hiện Công ty CP cấp nước Mê Linh đã cơ bản hoàn thành việc thi công đường ống cấp nước tới các khu dân cư trên địa bàn. Nhưng theo quy định, phải nộp tiền thì mới được lắp đặt đồng hồ, khiến mong muốn sử dụng nước sạch của gia đình anh Nguyễn Xuân Lợi (xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội) đến nay vẫn chưa thể thưc hiện được. Dù hệ thống vòi dẫn đã được thiết kế sẵn sàng đấu nối với đường ống nước sạch.

Thu 3,5 triệu đồng tiền lắp đặt đồng hồ nước sạch: Thỏa thuận hay áp đặt? - Ảnh 3.

Hệ thống vòi dẫn đã được thiết kế sẵn sàng đấu nối với đường ống nước sạch nhưng đến nay mong muốn sử dụng nước sạch của anh Lợi vẫn chưa thể thưc hiện được.

Thậm chí, theo phản ánh của người dân, mức tiền lắp đặt đồng hồ được công ty phát giá còn tăng thêm tùy từng thời điểm khác nhau. Sở dĩ có chuyện tăng giá như vậy, theo lý giải của người dân, ngoài khoản tiền 3,5 triệu đồng ban đầu mà công ty đưa ra quy định, thì khi lắp đặt đồng hồ nước, các hộ sẽ phải chi thêm số tiền dao động từ 200.000 - 500.000 đồng nữa. Mức thu này tùy thuộc vào từng hộ khác nhau.

Thu 3,5 triệu đồng tiền lắp đặt đồng hồ nước sạch: Thỏa thuận hay áp đặt? - Ảnh 4.

Về khoản tiền thu thêm khi lắp đặt đồng hồ nước, làm việc với phóng viên, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị huyện Mê Linh khẳng định, sẽ kiểm tra xác minh làm rõ, số tiền này được Công ty cấp nước Mê Linh sử dụng vào mục đích gì và công khai trả lời cho người dân khi có kết quả. Trong khi hiện tại, trên địa bàn huyện Mê Linh đã có hơn 18.000 hộ dân lắp đặt đồng hồ sử dụng nước sạch của doanh nghiệp này.

Trước những băn khoăn thắc mắc của người dân về khoản thu kèm có thể lên tới 500.000 đồng/ hộ, bên cạnh khoản tiền lắp đặt đồng hồ 3,5 triệu đồng, phóng viên đã trực tiếp trao đổi với đại diện Công ty cổ phần cấp nước Mê Linh. Nhận được câu trả lời, số tiền này được dùng để thuê thợ lắp đặt "nhanh" đồng hồ đo nước. Lý giải này có vẻ như chưa thực sự hợp lý vì trong hợp đồng dịch vụ cấp nước đã ghi rõ, bên công ty nước sạch phải có trách nhiệm lắp đặt đồng hồ đo nước cho người dân.

Thu 3,5 triệu đồng tiền lắp đặt đồng hồ nước sạch: Thỏa thuận hay áp đặt? - Ảnh 6.
Thu 3,5 triệu đồng tiền lắp đặt đồng hồ nước sạch: Thỏa thuận hay áp đặt? - Ảnh 7.

Cũng theo đại diện công ty nước sạch, khoản thu thỏa thuận 3,5 triệu đồng đối với mỗi hộ dân khi sử dụng nước sạch bản chất là tiền huy động vốn của người dân để triển khai dự án đầu tư.

Tuy nhiên, trước nhiều câu hỏi của phóng viên về căn cứ nào để doanh nghiệp tự đưa ra mức huy động vốn 3,5 triệu đồng/hộ và tại sao huy động vốn của người dân mà không có hợp đồng góp vốn, chỉ phát hành tờ biên nhận thu tiền. Đây là câu trả lời của đại diện công ty:

Ông Phạm Đức Minh, Trưởng Phòng Kinh doanh nước sạch Công ty cổ phần cấp nước Mê Linh: cho biết "Cái này do chính sách của doanh nghiệp. Nếu người dân muốn biết rõ và cần biết thì chúng tôi sẽ trả lời bằng văn bản và mail cho Đài và cơ quan chức năng cần biết".

Thu 3,5 triệu đồng tiền lắp đặt đồng hồ nước sạch: Thỏa thuận hay áp đặt? - Ảnh 8.

Ông Phạm Đức Minh, Trưởng Phòng Kinh doanh nước sạch Công ty cổ phần cấp nước Mê Linh.

Thu 3,5 triệu đồng tiền lắp đặt đồng hồ nước sạch: Thỏa thuận hay áp đặt? - Ảnh 9.

Huy động vốn của người dân mà không có hợp đồng góp vốn, chỉ phát hành tờ biên nhận thu tiền như thế này.

Đến thời điểm hiện tại, nhóm phóng viên vẫn chưa nhận được thêm câu trả lời từ phía doanh nghiệp cung cấp nước sạch, trước những băn khoăn thắc mắc của người dân. Theo quy định hiện nay, việc huy động vốn của người dân để triển khai các dự án nước sạch nông thôn được cho phép, để khuyến khích tạo điều kiện cho nhà đầu tư huy động nguồn lực đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn. Cụ thể, tại Quyết định số 131/2009 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: "Các tổ chức, cá nhân đầu tư các dự án, công trình cấp nước nông thôn được phép huy động vốn dưới dạng góp cổ phần, góp vốn từ người lao động trong đơn vị, cộng đồng; huy động các nguồn vốn hợp pháp khác".

Quy định rõ ràng như vậy. Tuy nhiên, việc triển khai huy động vốn đã thực sự đủ minh bạch cho người dân hiểu hay chưa và mức huy động vốn có thực sự theo thỏa thuận, được cả hai bên hài lòng, nhất trí hay không mới là điều cần được quan tâm và bàn đến.

Thu 3,5 triệu đồng tiền lắp đặt đồng hồ nước sạch: Thỏa thuận hay áp đặt? - Ảnh 11.

Trên tờ phiếu thu biên nhận, khoản tiền Công ty cổ phần cấp nước Mê Linh thu của người dân được gọi là "Thu tiền thỏa thuận lắp đặt đồng hồ". Nhưng trên thực tế có đúng là thỏa thuận hay không thì có thể lại là một câu chuyện khác.

Đúng là không có sự ép buộc ở đây, vì sử dụng nước sạch hay không là quyền lựa chọn của mỗi hộ dân. Nhưng nếu không đồng ý thỏa thuận này thì cũng đồng nghĩa, người dân sẽ chẳng có nước sạch để dùng.

Để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi nộp tiền, mỗi tháng doanh nghiệp sẽ khấu trừ 20.000 đồng vào tiền sử dụng nước của các hộ dân. Và dự kiến, sau khoảng 8 năm sẽ trả đủ số tiền đóng góp của mỗi khách hàng.

Thu 3,5 triệu đồng tiền lắp đặt đồng hồ nước sạch: Thỏa thuận hay áp đặt? - Ảnh 12.

Theo quy định mà doanh nghiệp tự đưa ra, tiền thu thỏa thuận là khoản thu không tính lãi chủ đầu tư huy động để bổ sung nguồn vốn theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, theo luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), điều này là không phù hợp với quy định pháp luật. Vì bản chất, đây là số tiền mà người dân đóng góp để đầu tư cùng doanh nghiệp dưới dạng vốn góp cổ phần.

Theo thống kê của UBND huyện Mê Linh, hiện tỷ lệ người dân trên địa bàn sử dụng nước sạch mới chiếm khoảng 54%. Con số này được coi là tương đối thấp, nếu so với hạ tầng cấp nước sạch đang có hiện nay. Nước sạch là thứ mà ai cũng mong muốn được sử dụng. Nhưng số tiền công ty nước sạch đang phát giá, theo người dân là quá cao, nên nhiều hộ dân khó có thể tiếp cận.

Thu 3,5 triệu đồng tiền lắp đặt đồng hồ nước sạch: Thỏa thuận hay áp đặt? - Ảnh 13.
Thu 3,5 triệu đồng tiền lắp đặt đồng hồ nước sạch: Thỏa thuận hay áp đặt? - Ảnh 14.

Không có tiền lắp đặt nước sạch, chẳng còn sự lựa chọn nào khác, nhiều hộ dân buộc phải mua nước đóng bình để ăn uống sinh hoạt hàng ngày. Còn nhiều hộ khác vẫn kiên trì đánh cược sức khỏe của mình để tiếp tục sử dụng nguồn nước ngầm sau khi đã lọc qua bể tự chế. Bởi nguồn nước ở đây đã nhiều lần được cơ quan chức năng cảnh báo về mức độ ô nhiễm khi chứa hàm lượng kim loại nặng vượt tiêu chuẩn cho phép.

Thu 3,5 triệu đồng tiền lắp đặt đồng hồ nước sạch: Thỏa thuận hay áp đặt? - Ảnh 15.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước