Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn lên tiếng về thông tin TP Hồ Chí Minh phát hiện biến chủng mới

Theo Sức khỏe & Đời sống-Thứ tư, ngày 16/06/2021 21:03 GMT+7

VTV.vn - Trước tình hình phức tạp của dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh, một số thông tin cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ việc ghi nhận biến chủng SARS-CoV-2 mới tại đây.

Tính đến chiều 16/6, sau 22 ngày bùng dịch, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 1.015 ca mắc COVID-19, trong đó có nhiều trường hợp chưa điều tra được nguồn lây.

Do tốc độ lây lan quá nhanh, có thông tin cho rằng chủng SARS-CoV-2 lây truyền tại TP Hồ Chí Minh là biến chủng mới.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định, thông tin này không chính xác. Bộ Y tế đã kiểm tra lại thông tin từ viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho thấy các kết quả giải trình tự gene ca bệnh trên địa bàn đều là chủng B.1617.2 nguồn gốc từ Ấn Độ (có tên gọi mới là chủng Delta).

"Chủng này có khả năng phát tán nhanh hơn chủng Anh và độc lực có xu hướng tăng lên" - Thứ trưởng thông tin.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, đợt dịch lần này tại TP Hồ Chí Minh có rất nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, chứng tỏ không tập trung vào 1 nguồn duy nhất mà từ nhiều nguồn khác nhau.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn lên tiếng về thông tin TP Hồ Chí Minh phát hiện biến chủng mới - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TPHCM phòng chống dịch COVID-19

"Vì vậy, công tác dập dịch ở TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới phải rất tích cực. Chúng ta cần phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh, sau đó truy vết, khoanh vùng, dập dịch", Thứ trưởng chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trong công tác truy vết, dập dịch, điều may mắn và dễ dàng là phát hiện được nguồn lây F0 đầu tiên, từ đó, truy vết theo nguồn lây này, chúng ta tìm kiếm được các F1.

Tuy nhiên, một số trường hợp cũng gây khó khăn cho các nhà dịch tễ học trong việc xác định nguồn lây đầu tiên. Đối với những trường hợp như vậy, Thứ trưởng khẳng định ngoài tích cực truy tìm nguồn gốc phải rà soát theo các dấu vết đã phát hiện được để truy vết càng thần tốc càng tốt, giảm mức độ lây lan. Đây là vấn đề cần ưu tiên trong đợt dịch lần này tại TP Hồ Chí Minh.

"Chúng tôi đồng thuận với các chỉ đạo của thành phố về giãn cách, việc khoanh vùng phải càng nhỏ càng tốt nhưng phải hết sức nghiêm theo Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 và 15+ để vừa đảm bảo phòng chống dịch, hạn chế tụ tập đông người vừa tạo lưu thông sản xuất. Trong bối cảnh hạn nay, 5K vẫn còn nguyên giá trị" - Thứ trưởng nói.

Liên quan đến công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, để bảo đảm công tác quản lý, chăm sóc và điều trị tốt nhất cho người bệnh, Tiểu ban điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh khẩn trương thực hiện: Tập trung tối đa mọi nguồn lực để ưu tiên quản lý, điều trị, chăm sóc toàn diện cho các ca bệnh COVID-19.

Phân tuyến điều trị các ca bệnh phù hợp tình trạng người bệnh, theo dõi chặt chẽ diễn biến của từng ca bệnh, tổ chức Hội chẩn liên khoa, liên viện, hội chẩn với Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế qua Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị COVID-19, Bộ Y tế (khi cần) để lên kế hoạch điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Nghiêm túc tuân thủ và thực hiện các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, của Tiểu ban điều trị để quản lý, điều trị và chăm sóc hiệu quả cho người bệnh; tuyệt đối bảo đảm nguyên tắc quản lý, cách ly triệt để người bệnh, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ, kiểm soát nhiễm khuẩn tránh lây nhiễm cho cán bộ y tế, người bệnh và cộng đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước