Lực lượng công an xã Phước Lập, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang thăm hỏi, hỗ trợ 1 thanh niên từng sa ngã.
Xác định công tác tái hòa nhập cộng đồng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tái phạm tội, từng bước kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở, thời gian qua, Công an cấp xã trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã chủ động, tích cực tham mưu cho Đảng ủy – UBND cùng cấp chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, giúp người từng phạm lỗi xóa bỏ mặc cảm tự ti, vươn lên sống tốt, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Tùy vào điều kiện, đặc điểm cụ thể của từng nơi, Công an các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có những biện pháp cụ thể, phù hợp để giúp người sau chấp hành án tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó chú trọng công tác xây dựng, nhân rộng mô hình về tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Đơn cử, trên địa bàn xã Phú Mỹ, từ tháng 3/2019, Công an xã đã tham mưu UBND xã triển khai thực hiện mô hình tái hòa nhập cộng đồng 4+1 đối với người chấp hành xong án phạt tù về cư trú trên địa bàn xã. Trong đó, lực lượng Công an xã làm nòng cốt, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể quản lý, giáo dục, cộng với sự chung tay góp sức của gia đình, người thân và hàng xóm láng giềng xung quanh động viên, đã giúp nhiều trường hợp nhận ra lỗi lầm, quyết tâm sửa sai.
Hiện nay, tổng số người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng do Công an xã quản lý là 12 người. Đa số đều chấp hành nghiêm luật pháp và các quy định tại địa phương, tiến bộ tốt, trong đó Nguyễn Minh K.
Sau khi lầm lỡ và chịu sự răn đe từ pháp luật, trở về hòa nhập cộng đồng, K. đã được lực lượng công an xã giới thiệu việc làm tại 1 cơ sở tại địa phương. Mỗi tháng thu nhập hơn 7 triệu đồng, phụ giúp gia đình và trang trải cuộc sống, K. không còn tụ tập với các đối tượng xấu.
Một trường hợp khác trên địa bàn xã Phước Lập, huyện Tân Phước, cũng nhờ có sự quan tâm, động viên kịp thời của chính quyền địa phương, gia đình, người thân, láng giềng đã giúp cho Nguyễn T.T. nhận ra được những việc làm sai trái trước đây, phấn đấu vươn lên tái hòa nhập cộng đồng.
Nếu như chính quyền địa phương giúp T. nhận ra sai lầm, tạo điều kiện cho T. sửa sai, thì mẹ T., người thân của T. chính là chỗ dựa, là tấm gương, là động lực để anh phấn đấu mỗi ngày. Mẹ T. không tự đi lại được phải ngồi xe lăn, ngày ngày vẫn cần mẫn buôn bán rau củ quả trước cửa nhà để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Vào ngày nghỉ hay mỗi sáng trước khi đi làm, chiều muộn tan ca, T. đều tranh thủ thời gian để phụ mẹ dọn hàng. Đó là cách T. bù đắp, chuộc lại lỗi lầm với mẹ, để mẹ sống vui sống khỏe với T. mỗi ngày.
Cuộc sống phía trước còn dài và cũng có rất nhiều khó khăn, thử thách, kể cả những cám dỗ của cuộc sống đời thường. Quan trọng nhất là ý chí phấn đấu vươn lên, nỗ lực của mỗi cá nhân. Sự giúp đỡ, cảm thông, chia sẻ của cộng đồng, xã hội sẽ là động lực, là niềm tin, là điểm tựa yêu thương, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để những người từng vấp ngã vươn lên sống tốt, tái hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!