TP Hà Nội lại bắt đầu đợt ra quân mới để xóa bỏ các điểm chiếm dụng trái phép làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, với phương châm "giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ".
Theo ghi nhận trên một tuyến phố, lực lượng chức năng đã thường xuyên tuần tra nhắc nhở các đơn vị kinh doanh cùng với xử phạt hành chính và ký cam kết không tái phạm. Chỉ trong hơn 1 tháng cao điểm Tết, quận Hoàn Kiếm đã xử lý hơn 1.100 trường hợp lấn chiếm lòng lề đường, tổng số tiền xử phạt là gần 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi kinh doanh vẫn đang là vấn đề nhức nhối.
Ra quân xử lý, rồi lại tái diễn là câu chuyện lặp lại trong nhiều năm qua. Điều này đã cho thấy cần có sự quyết liệt trong việc xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Cùng với đó là những chính sách hỗ trợ cho người dân để thay đổi thói quen buôn bán trên vỉa hè.
Những người mưu sinh từ vỉa hè
Phải giành lại vỉa hè cho người đi bộ nhưng cũng phải tính đến những con người, gia đình đang sống nhờ vỉa hè. Thực tế, vỉa hè đang là nơi mưu sinh của rất nhiều người. Nghiên cứu của Tổng cục Thống kê cho thấy khu vực kinh tế phi chính thức (bao gồm cả kinh tế vỉa hè) thu hút 11 triệu lao động, trong đó có những người yếu thế. Vài tiếng bán hàng ở vỉa hè cũng nuôi sống không chỉ bản thân họ mà cả gia đình.
Thúng hoa quả dầm nuôi sống cả nhà bà Hòa. Quê ở Hà Nam nhưng bà đã dựa vào vỉa hè Hà Nội cả chục năm nay. 2 vợ chồng không có lương. Con cái dẫu lớn nhưng chẳng đỡ đần được kinh tế cho cha mẹ. Ở tuổi 60, bà không biết làm gì để sống, nếu không bán hàng trên vỉa hè.
Bà Lan thì có nghề bán cốm. Bà luôn miệng cảm ơn mấy người trên phố cổ vì họ cho bà bán nhờ trước cửa nhà. Họ cho để xe đạp miễn phí, nếu không bà sẽ mất thêm 15.000 đồng tiền gửi mỗi ngày. Góp nhặt từng chút, bà nuôi 2 người con đang học đại học. Bà chẳng thể làm gì vì ruộng trước đây ở vùng Cầu Giấy đã không còn để trồng cấy nữa.
Hè phố nhếch nhác. Người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường. Những người bán hàng rong này đều biết ngồi bán ở vỉa hè là vi phạm. Nhưng họ cũng đang không biết làm gì để sống khi không còn được mưu sinh trên những con phố này.
Thận trọng khi thực hiện thu phí vỉa hè
Không phải bây giờ và không chỉ ở Hà Nội, việc lập lại trật tự vỉa hè được chính quyền quan tâm. TP Hồ Chí Minh còn có hẳn một đề án thu phí lòng đường vỉa hè. Theo đó, chính quyền sẽ làm đẹp đường phố rồi tổ chức thu phí sử dụng ở vị trí phù hợp để dùng kinh phí đầu tư cho các công trình khác. Nhưng việc thực hiện đề án này cần có sự cân nhắc, thận trọng.
Theo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm này, Sở cũng đã đề nghị các quận huyện thống kê các tuyến đường, bề rộng lòng đường, vỉa hè để xây dựng đề án thu phí. Ngoài tính toán cho một số trường hợp dùng tạm vỉa hè phải đóng phí, Sở GTVT TP cũng nghiên cứu hướng tăng cường an toàn cho người đi bộ, nhất là khu vực có công trình thi công, giao lộ đông xe...
Còn theo các chuyên gia, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy việc kinh doanh trên vỉa hè đã có từ lâu đời. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tuy nhiên, cũng chỉ vì chưa thừa nhận kinh tế vỉa hè, đã dẫn đến hệ quả cho TP Hồ Chí Minh cũng như một số địa phương khác là kinh doanh lộn xộn, lại khó quản lý.
Những người có liên quan phải kể đến chủ nhà, người trả phí để được sử dụng một phần lòng đường vỉa hè và quan trọng nhất là người đi bộ. Theo các chuyên gia, những yếu tố này cần được nghiên cứu đánh giá dựa trên thực tế ở từng nơi. Nếu được triển khai kỹ lưỡng, có quy hoạch rõ ràng, công khai, minh bạch không chỉ giúp ổn định trật tự lòng lề đường mà còn tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, hạn chế tình trạng bát nháo, bảo kê hiện nay.
Quản lý buôn bán trên vỉa hè ở Trung Quốc
Còn tại Trung Quốc, sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế, nhiều thành phố ở nước đông dân nhất thế giới đã cho phép bán hàng rong trở lại, tạo cơ hội việc làm và mang lại sinh khí sau thời gian dài cách ly xã hội.
Đầu tháng 6/2022, Thủ tướng nước này kêu gọi người thất nghiệp bán hàng rong để đưa nền kinh tế quay về quỹ đạo cũ. Kinh tế vỉa hè được bật đèn xanh ở nước này sau bao nhiêu năm bị cấm đoán. Vậy họ đã làm gì để hài hoà lợi ích?
Thực tế đa phần các thành phố không có kinh tế vỉa hè lưu động, đồng nghĩa hầu hết các địa phương về cơ bản không ủng hộ bán vỉa hè theo kiểu bán hàng rong. Mà ở Trung Quốc, chính quyền các TP quy hoạch hẳn những địa điểm bán là những con phố đi bộ hay những cụm bán hàng tại một khu vực chung của nhiều chung cư, nghĩa là về cơ bản bán có nơi có chỗ.
Kinh tế vỉa hè chỉ sôi động nhất là về đêm ở những tuyến phố ăn uống về đêm, chợ đêm, còn ban ngày ít sôi động hơn.
Kinh tế vỉa hè ở Trung Quốc cũng được hiểu là những người bán được quản lý, đăng ký. Tự phát bán ở những thành phố, tại những nơi không được phép bị phạt rất nặng nên hầu hết người dân đều rất sợ.
Trong thời kỳ dịch bệnh khó khăn, chính quyền nhiều TP cho phép những hộ kinh doanh mặt tiền những khu vực chung cư được phép kê thêm một số bàn ghế trước cửa hàng của mình để cải thiện thu nhập.
Tại Trung Quốc, những căn hộ mặt tiền nếu không nằm trong quy hoạch cho buôn bán cũng không được phép mở cửa bán hàng. Các thành phố làm nghiêm việc quy hoạch, quản lý buôn bán hàng vỉa hè, chủ yếu là dịch vụ ăn uống, đặc sản địa phương, thủ công mỹ nghệ và có thu thuế là để tạo công bằng cho các thành phần kinh tế khác.
Việc quản lý buôn bán vỉa hè ở nhiều thành phố lớn cũng khá dễ bởi hầu hết người dân ở nhà chung cư, đô thị được quy hoạch khá bài bản và nhất là pháp luật xử phạt nghiêm minh các trường hợp tự ý bán hàng rong trái phép. Một điều quan trọng nữa, ý thức người dân cũng nâng lên đáng kể khi chọn ăn ở những quán có cấp phép để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để khắc phục tình trạng lấn chiếm vỉa hè buôn bán hàng rong, "đòi lại" vỉa hè cho người đi bộ, việc thu phí sử dụng vỉa hè như một biện pháp nhằm quản lý tốt hơn và tạo nguồn kinh phí cho việc bảo trì, vệ sinh, cải tạo lại một số hạng mục hạ tầng thành phố là việc nên tính đến. Tuy nhiên, tính toán đảm bảo cân bằng các lợi ích từ vỉa hè lại là việc không dễ dàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!