Thực trạng nhà vệ sinh công cộng tại TP Hồ Chí Minh

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 22/03/2023 19:19 GMT+7

VTV.vn - Theo các báo cáo gần đây, TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 10 triệu dân, tuy nhiên chỉ có hơn 250 nhà vệ sinh công cộng.

Gần đây, thông tin số nhà vệ sinh trên mỗi km vuông tại TP Hồ Chí Minh chỉ xếp thứ 67 trong 69 thành phố du lịch trên thế giới, đã làm dư luận hết sức quan tâm về chất lượng nhà vệ sinh tại thành phố đông dân nhất nước. Thực trạng nhà vệ sinh công cộng tại TP Hồ Chí Minh là đáng quan ngại.

Theo các báo cáo gần đây, TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 10 triệu dân, tuy nhiên chỉ có hơn 250 nhà vệ sinh công cộng và tập trung nhiều nhất ở các quận nội thành, như: Q1, Q3, Q5. Hiện các nhà vệ sinh công cộng này do các đơn vị như Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh thuộc Sở Xây dựng, Trung tâm quản lý giao thông công cộng thuộc Sở Giao thông Vận tải, và các công ty dịch vụ công ích quản lý,… Không chỉ thiếu về số lượng, nhà vệ sinh công cộng tại TP Hồ Chí Minh còn bị than phiền về sự bất tiện, khi khó nhận biết, tình trạng xuống cấp, dơ bẩn,… khi sử dụng.

Thực trạng nhà vệ sinh công cộng tại TP Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Để phục vụ người dân và du khách, Quận 1 trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp để tăng nhanh số lượng nhà vệ sinh có thể sử dụng. Trong đó có vận động các cơ sở kinh doanh ăn uống, khách sạn hỗ trợ người dân, du khách sử dụng miễn phí nhà vệ sinh.

Cơ sở kinh doanh chia sẻ nhà vệ sinh

Các cơ sở tham gia cuộc vận động hỗ trợ nhà vệ sinh đều nằm tại các trục đường lớn, đường chính, khu vực có đông người qua lại. Và khi tham gia, các cơ sở kinh doanh sẽ được gắn biển báo cho người dân và du khách dễ tiếp cận. Thực tế tại các cơ sở kinh doanh chia sẻ nhà vệ sinh cho thấy, họ sẵn lòng phục vụ khách vãng lai tuy nhiên cũng có một chút lo lắng.

Thực trạng nhà vệ sinh công cộng tại TP Hồ Chí Minh - Ảnh 2.

"Mình mong muốn quảng bá Việt Nam trong mắt người dân và người nước ngoài sạch sẽ và thân thiện như thế nào. Mình mong muốn đón những vị khách lịch sự và có ý thức. Cá nhân mình khá là lo lắng nếu gặp trúng vị khách không có ý thức sẽ gây ảnh hưởng đến những vị khách tiếp theo. Trong mắt họ thì Việt Nam sẽ không tốt, quán mình sẽ không có sạch sẽ và lịch sự nữa" - anh Nguyễn Thành Đông - Trưởng ca Leo Coffee & Tea chia sẻ.

Trong thời gian qua, 10 phường của Quận 1 đã thực hiện vận động mỗi phường 10 cơ sở kinh doanh buôn bán, đa phần là các cơ sở ăn uống, chia sẻ nhà vệ sinh với người dân và du khách. Việc này cũng tương đồng với ý kiến của các chuyên gia về phát triển nhà vệ sinh công cộng tại TP Hồ Chí Minh.

"Để đảm bảo nhu cầu nhà vệ sinh của người dân thì phải xác định rõ những nơi nào có nhà vệ sinh công cộng. Ví dụ như các nhà hàng, các chợ, công viên, trạm xăng, giữ xe, bến xe. Đồng thời cũng phải quy định rõ những nhà vệ sinh đó đảm bảo những chất lượng như thế nào để đảm bảo vệ sinh" - TS. Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh nói.

Trong giai đoạn tiếp theo, từ tháng 4 năm nay đến hết năm 2025, Quận 1 sẽ tiếp tục vận động các chủ cơ sở tham gia phong trào. Đồng thời lập mạng lưới nhà vệ sinh để quản lý và phổ biến để người dân du khách biết, sử dụng. Cùng với đó tổ chức chấm điểm đánh giá, tuyên dương các đơn vị có nhà vệ sinh sạch, đẹp, thái độ phục vụ thân thiện.

Thực tế thì nhà vệ sinh tại những cơ sở kinh doanh không thể phục vụ hết các đối tượng cần thiết. Nhất là những lao động vãng lai, thu nhập thấp - họ còn cảm giác e ngại khi vào các nơi này. Do đó việc xây mới các nhà vệ sinh công cộng để ai cũng sử dụng được là cần thiết. Tuy nhiên, việc xây mới công trình này tại TP Hồ Chí Minh gặp nhiều thách thức.

Xây mới nhà vệ sinh công cộng không dễ

Để phát triển nhà vệ sinh, ngoài việc vận động cơ sở kinh doanh hỗ trợ, rà soát sửa chữa, nâng cấp các nhà vệ sinh hiện hữu, UBND Quận 1 còn dự kiến xây mới 5 nhà vệ sinh công cộng. Theo khái toán của cơ quan chức năng, khoảng 2 tỉ 7 tiền đầu tư và 2 tỉ 2 tiền chi phí vận hành trong 1 năm. Tuy nhiên, đối với việc xây mới, tài chính không phải khó khăn duy nhất.

Để giải quyết các vấn đề, UBND Quận 1 cũng đã tìm tòi xin UBDN thành phố cấp phép tạm những phần đất có thể sử dụng, hay tìm nguồn vốn xã hội hóa đầu tư nhà vệ sinh. Tuy nhiên, thực tế của những chương trình phát triển nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố trong thời gian qua cho thấy những vấn đề này còn có những vướng mắc.

Thực trạng nhà vệ sinh công cộng tại TP Hồ Chí Minh - Ảnh 3.

Theo các chuyên gia để giải quyết những khó khăn này trước hết cần thay đổi tư duy về tầm quan trọng của nhà vệ sinh công cộng. Và tại buổi làm việc mới đây, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu đặt nhà vệ sinh công cộng lên đúng với nhu cầu thiết yếu, quan trọng để quan tâm đầu tư, và quản lý đúng theo tiêu chí "Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình".

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng cho biết những vướng mắc vượt thẩm quyền, thành phố xin Chính phủ trình Quốc hội cho phép thành phố được quyền cấp tạm. Và ngoài ra, yêu cầu không làm nhà vệ sinh công cộng với mục đích để lấy thành tích, xếp thứ hạng. Từ đây đến cuối tháng 4/2023, TP quyết tâm tạo sự chuyển biến trong vấn đề này.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước