Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng - Cần ngăn chặn khi còn chưa muộn

PV-Thứ năm, ngày 29/12/2022 11:50 GMT+7

VTV.vn - Nếu Việt Nam không kiên quyết ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam sẽ tăng trở lại, tạo ra gánh nặng kinh tế.

Theo kết quả nghiên cứu thống kê, trong vòng 10 năm, từ 2010 đến 2020, tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam đã giảm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 42,3% vào năm 2020, trong đó, giảm mạnh nhất là tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh, thiếu niên, độ tuổi 15 đến 24. Nhận thức về tác hại của thuốc lá được nâng cao với hơn 90% người trưởng thành khi được hỏi, đều nhận thức được rằng hút thuốc lá gây những bệnh nghiêm trọng. Với các kết quả này, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước tính, chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015-2020 là 1.277 tỷ đồng/năm.

Sở dĩ đạt được thành quả đó là do công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá của Việt Nam, đặc biệt là quyết tâm chính trị của lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói chung, và sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, sự tham gia của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố và các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, thành quả đó có thể không còn bền lâu khi các sản phẩm mới xuất hiện trong đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs) và thuốc lá làm nóng (Heated Tobacco Product - HTPs). Theo Tổ chức Y tế thế giới, các sản phẩm này có chứa nicotine là chất gây nghiện cao, độc hại, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử có nicotine, là chất gây nghiện, gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, bên cạnh đó, còn có glycerin, propylene glycol và trên 20,000 loại hương liệu, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng - Cần ngăn chặn khi còn chưa muộn - Ảnh 2.

Thuốc lá điện tử trên các sạp bầy bán

Thuốc lá mới là sản phẩm hướng mục tiêu đến giới trẻ, khiến trẻ em bắt đầu nghiện nicotine sớm hơn và tác hại sức khỏe sẽ nghiêm trọng hơn cả trước mắt và về lâu dài. Bằng chứng từ các nước cho phép sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy thuốc lá điện tử là nguyên nhân cho việc bắt đầu sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở thanh thiếu niên bởi bản chất vẫn là nghiện chất nicotin. Vì vậy, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có nhiều khả năng trở thành người hút thuốc lá điếu thông thường. Thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc nhưng sử dụng thuốc lá điện tử thì tỷ lệ chuyển sang hút thuốc lá điếu thông thường cao hơn 2-3,5 lần so với những thanh thiếu niên chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử

Tại Việt Nam, các sản phẩm thuốc lá mới hiện là những sản phẩm là chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh, tuy nhiên tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng nhanh chóng. Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỉ lệ là 7,3%, trong khi đó, tỷ lệ này ở lứa tuổi 25 - 44 tuổi là 3,2%, ở nhóm tuổi  45 - 64 tuổi 1,4%. Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13-15 tuổi năm 2022: tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi là 3,5%. So với tỷ lệ năm 2019  là 2,6% theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới thì có thể thấy chỉ sau 3 năm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể.

Tại buổi Toạ đàm về ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá mới do báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 20/12/2022, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Trần Thị Trang cho biết, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá sau nhiều năm đã tồn tại một số bất cập. Theo đó, thời điểm Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thì trên thị trường của Việt Nam chưa có các sản phẩm thuốc lá mới này và tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này hầu như chưa có ý nghĩa thống kê và chưa thống kê được tỷ lệ sử dụng vào thời điểm đó. Do đó, Luật Phòng, chống tại của thuốc lá cũng chưa hề quy định khái niệm dành cho hai sản phẩm thuốc lá mới điển hình vào thời điểm hiện nay là thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử. Mặt khác, không phải chỉ bằng một cơ chế pháp luật, một văn bản dưới luật để điều chỉnh đối với một nhóm sản phẩm mới xuất hiện, mà cần phải có một cơ chế pháp lý đồng bộ ở cấp cao - là quyết định của Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Còn đối với một số quan điểm cần có cơ chế pháp lý đối với sản phẩm này, cấm hay áp dụng luật thì lại phụ thuộc vào một số cơ sở. Cụ thể, có cần thiết đến mức phải cho các sản phẩm thuốc lá mới vào sử dụng tại Việt Nam khi mà tác hại cũng như nguy cơ sức khỏe và đặc biệt là làm tăng tỷ lệ tiêu thụ ở thanh, thiếu niên và trẻ em hay không.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng - Cần ngăn chặn khi còn chưa muộn - Ảnh 3.

Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế

Thuốc lá dù là thuốc lá điếu thông thường hay thuốc lá mới cũng đều là những sản phẩm có tác hại đối với sức khỏe con người, không phải là hàng hóa thông thường vì đây là sản phẩm hàng hóa có tác động đến sức khỏe nên việc xây dựng, đề xuất chính sách đối với các sản phẩm thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ Y tế

Theo Điều 5 Luật PCTH của thuốc lá, Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về PCTH của thuốc lá. Chính sách về thuốc lá mới bao gồm tổng thể các chính sách về PCTH của thuốc lá tương tự như đối với thuốc lá thông thường chứ không chỉ là quản lý kinh doanh thuốc lá. Việc quản lý kinh doanh chỉ được xác định sau khi các vấn đề về sức khỏe, tác hại của thuốc lá, kinh tế - xã hội, môi trường và các vấn đề quản lý khác đã được nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể.

Phát biểu tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh 13-15 tuổi ngày 26/12/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã khẳng định: "Bảo đảm cuộc sống khoẻ mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi" là một trong những mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam được đưa ra trong Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững ngày 25/9/2020 và cam kết mạnh mẽ với quốc tế trong việc tăng cường thực hiện Công ước khung của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá".

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng - Cần ngăn chặn khi còn chưa muộn - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn bầy tỏ mong muốn nhận được nhiều ý kiến của giới nghiên cứu, các bộ, ngành để có cơ sở xây dựng giải pháp chính sách quản lý hiệu quả, phù hợp, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

WHO cũng đã khuyến cáo các nước cần ngăn chặn việc bắt đầu hút, bảo vệ mọi người khỏi bị phơi nhiễm khói thuốc lá điện tử, ngăn chặn việc thông tin sai sự thật, thiếu khoa học, cho rằng thuốc lá điện tử là an toàn

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước