Vị ngọt ấy có thể trong từng món ăn, trong những giây phút chia sẻ tình cảm gia đình và còn là sự sẻ chia đầy ý nghĩa trong cộng đồng.
Mời quý vị cùng thưởng thức "vị ngọt ngày Tết", trước tiên là vị ngọt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi thiên nhiên trù phú, con người hào sảng, chân phương và những tập quán ẩm thực phong phú, độc đáo.
Ngọt ngào mứt, mật từ hoa trái
Mứt - thức quà ngọt ngào nơi đâu cũng có. Không chỉ mang hương vị truyền thống của Tết Việt, mứt còn thể hiện đặc trưng của mỗi vùng miền bởi được làm từ sản vật địa phương. Ở miền Tây Nam Bộ, các loại mứt được làm từ hoa trái miệt vườn sông nước, gửi gắm trong đó tâm tình của người dân mộc mạc, chân chất. Cũng vì thế, các loại mứt me, mứt mãng cầu… bình dị, dân dã mà đậm đà, thấm đẫm hương vị quê hương.
Mứt làm thủ công luôn là lựa chọn hàng đầu của những người muốn lưu giữ hương vị Tết xưa. Mứt có vị ngọt vừa phải, có vị chua nhẹ mà vẫn giữ độ giòn, dẻo thơm của trái cây, đòi hỏi người làm đúc kết kinh nghiệm và bí quyết riêng.
Hương vị thơm nồng từ các lò sấy mứt khiến không khí tết ở làng nghề như chộn rộn hơn. Sau những ngày vất vả này là những ngày Tết ấm no.
Mứt làm thủ công luôn là lựa chọn hàng đầu của những người muốn lưu giữ hương vị Tết xưa.
"Mứt mình làm quanh năm, nhưng thích nhất là dịp Tết vì làm có thu nhập cao, để dành tiền sắm vàng cũng được", bà Nguyễn Thị Thu Bình (xã Mỹ Thuận, Bình Tân, Vĩnh Long) chia sẻ.
Sản xuất mứt thủ công tuy sản lượng không cao, đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mỉ, nhưng bù lại, mứt mang hương vị xưa như hoài niệm của các bà, các mẹ. Đó cũng là lý do nơi đây vẫn còn những người qua bao nhiêu năm vẫn giữ bếp nghề đỏ lửa, làm ra những mẻ mứt đượm hương vị truyền thống.
"Mình muốn mang những sản phẩm mứt truyền thống ngọt ngào, mang hương vị của Tết xưa, mong mọi người có một cái Tết vui vẻ, tràn đầy, ấm no, hạnh phúc", anh Trần Thanh Gian (thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) bày tỏ.
Cây trái vùng đất trù phú này còn cho một thức quà đặc biệt, đó là mật hoa dừa với vị ngọt dịu. Ở Trà Vinh, nơi có diện tích trồng dừa lớn thứ 2 cả nước, thu mật hoa dừa vốn là nghề truyền thống đã bị mai một. Tuy nhiên có những người trẻ đã táo bạo tìm hướng đi mới, phục hồi nghề của quê hương bằng cách liên kết với bà con, chuyển đổi mô hình trồng dừa hữu cơ, thu mật hoa dừa, lan tỏa triết lý "làm nông nghiệp để hạnh phúc".
Thành quả của sự chịu thương, chịu khó, chắt chiu mật ngọt cho đời cũng chính là niềm vui lan tỏa từ vùng đất trù phú này đến muôn nơi.
Vị ngọt hạnh phúc
Vị ngọt không chỉ trong ẩm thực, mà "vị ngọt" còn có trong cả những điều giản dị ở mỗi gia đình. Trải qua bao khó khăn, chia ngọt sẻ bùi, luôn bên nhau để gặt hái được những "quả ngọt" mà không vật chất nào có thể so sánh được. Những điều thiêng liêng ấy tưởng chừng đơn giản nhưng lại là điều ao ước của biết bao gia đình.
"Tôi bán hàng ở bách hóa, vì là thanh niên nên hay về muộn, nhất là Tết. Ông này có tình cảm trước. Ông hay đến nhìn, đứng loanh quanh ở đấy chờ hết giờ đón đi về", bà Chu Thị Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.
Vị ngọt không chỉ trong ẩm thực, mà "vị ngọt" còn có trong cả những điều giản dị ở mỗi gia đình.
"Đi qua cửa hàng, trông thấy là có cảm tình", ông Vũ Đình Cử (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay.
15 năm yêu, tìm hiểu, 45 năm cưới, 60 năm bên nhau, ông Cử và bà Tâm vẫn luôn đồng hành cùng nhau trong mọi việc.
Trách nhiệm với nhau là bí quyết để 2 ông bà chia ngọt sẻ bùi mọi điều trong cuộc sống trong suốt 60 năm qua. Đến giờ, từng ánh mắt, cử chỉ, ông bà dành cho nhau vẫn vẹn nguyên như những ngày đầu, chưa bao giờ thay đổi.
Chia ngọt sẻ bùi
Không chỉ trong gia đình, tình yêu thương, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách còn được hiện hữu qua nhiều hình thức khác nhau. Với cả những người không quen biết, không thân thuộc, sự sẻ chia vẫn luôn được trao đi, để vị ngọt trong lòng luôn còn mãi.
Bà Nga (phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị bại liệt từ nhỏ. Hơn 70 năm nay bà không đi lại được bình thường, giờ lại sống 1 mình.
Năm nay, nhờ một nhóm thiện nguyện, nhà cửa được dọn dẹp, trang trí tươm tất, sáng sủa, điều cả cuộc đời bà không thể tự làm được.
"Tết năm nay là vui nhất, mấy chục năm trời, chưa bao giờ có năm nào như năm nay. Tôi mong muốn mua một cành đào để lên bàn thờ và bây giờ được đúng như nguyện vọng của tôi. Tôi rất vui và xúc động, hạnh phúc", bà Phạm Thị Nga bày tỏ.
"Bà Nga là một trong những người chúng tôi thường xuyên quan tâm. Đến thăm bà, thấy bà cô đơn, nhà cửa bừa bộn nên chúng tôi đã nghĩ ra hoạt động trang hoàng nhà cửa cho bà, khá đặc biệt so với các năm trước. Tôi nghĩ đây là một sự sẻ chia của cộng đồng đối với những người có hoàn cảnh quá đặc biệt như vậy. Nếu hiệu quả, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này, sang năm sẽ làm như thế này cho nhiều đối tượng nữa", chị Thành Thu Lương (Trưởng nhóm thiện nguyện Mùa thu và những người bạn) chia sẻ.
Với sự hỗ trợ từ những tấm lòng nhân ái, hàng trăm, hàng nghìn bệnh nhân ung thư trước khi trở về đã cùng ngồi với nhau bên mâm cơm với món ăn đậm vị quê nhà.
Nhóm thiện nguyện này hoạt động đã được 10 năm nay. Hàng tuần nhóm còn nấu và phát cháo cho bệnh nhân ở nhiều bệnh viện tại Hà Nội.
Đây cũng là một trong những công việc được các cá nhân, tập thể làm tình nguyện quan tâm nhất trên hành trình chia ngọt sẻ bùi. Tất cả cùng chung tay tạo nên không khí ấm áp, vơi bớt nỗi đau và vất vả của người bệnh cùng gia đình trong quá trình điều trị. Như bữa cơm tất niên tại Bệnh viện K, nhờ sự kết nối của các thầy thuốc, năm nào cũng được tổ chức. Với sự hỗ trợ từ những tấm lòng nhân ái, hàng trăm, hàng nghìn bệnh nhân ung thư trước khi trở về đã cùng ngồi với nhau bên mâm cơm với món ăn đậm vị quê nhà, để thấy tình thương yêu lan tỏa.
Ngoài kia còn rất nhiều nhóm với nhiều hình thức thiện nguyện khác nhau, nhưng cùng chung một mong muốn được dang rộng vòng tay với những mảnh đời còn khó khăn trong cuộc sống, để rồi chính họ là những người cảm nhận được vị ngọt của sự sẻ chia.
Khó khăn, vất vả của lính biển ngày Tết VTV.vn - Thời tiết xấu trên các vùng biển khiến không chỉ tàu thuyền của ngư dân khó khăn, mà cả tàu của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ cũng phải đối mặt với sóng to, gió lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!