Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ gia cầm nhập lậu

Quý Thông-Thứ bảy, ngày 18/11/2023 20:12 GMT+7

VTV.vn - Lợi nhuận từ hành vi nhập lậu con giống gia cầm từ bên kia biên giới về Việt Nam có thể không lớn, nhưng hệ lụy để lại khó có thể tính đếm.

Thủ đoạn vận chuyển gia cầm giống nhập lậu

Thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm gia cầm vào dịp cuối năm, do vậy nhu cầu về con giống tăng cao. Nắm bắt được thực tế đó, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phổ biến. Việc này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến chăn nuôi trong nước, mà còn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm.

Nếu không bị kiểm tra bắt giữ thì không ai nghĩ rằng, bên trong thùng của chiếc xe ô tô đầu kéo lại chở gần 20.000 con vịt giống có nguồn gốc xuất xứ ở bên kia biên giới. Vì toàn bộ số gia cầm trên xe được nhập lậu, nên tài xế không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào liên quan đến nguồn gốc cũng như chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y.

"Xe tôi chở hàng lên Cao Bằng, trên đường về, đến thị trấn Thất Khê, qua thị trấn Thất Khê có một anh ra vẫy xe. Họ nói là nhờ xe tôi chở vịt này về Bắc Giang, có người đón ở Bắc Giang. Tôi cũng không biết chủ hàng là ai. Tôi chỉ là người đi qua đường, tiện đường về thì tôi chở", anh Lưu Văn Tuấn, lái xe chở gia cầm nhập lậu, cho biết.

Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ gia cầm nhập lậu - Ảnh 1.

Ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn mỗi năm. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Tài liệu trinh sát của cơ quan quản lý thị trường cho thấy, việc sử dụng xe đầu kéo, xe container để chở con giống gia cầm nhập lậu thực chất là một thủ đoạn mới, tinh vi của một số đầu nậu buôn bán mặt hàng này. Bởi lâu nay gần như không ai sử dụng loại phương tiện này để chở gia cầm.

Nhận thấy các đối tượng thay đổi phương thức vận chuyển, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với các cơ quan hải quan, biên phòng, công an tăng cường công tác trinh sát mật phục, lên kế hoạch đấu tranh bắt giữ từ nhiều tháng qua.

"Các đối tượng rất manh động, họ cắt cử người trông ở cổng cơ quan. Mọi hoạt động đều theo dõi. Trong quá trình kiểm tra, bắt giữ, các đối tượng sẵn sàng chống đối, đâm xe lực lượng chức năng để tẩu thoát", ông Nguyễn Bình Nguyên, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, cho hay.

Thực tế, 2 vụ việc đối tượng chở con giống gia cầm nhập lậu chống đối lực lượng chức năng nhằm tẩu thoát đã xảy ra.

Dự báo trong khoảng thời gian từ 1 - 2 tháng cuối năm, tình trạng nhập lậu con giống gia cầm từ bên kia biên giới về các tỉnh, thành trong nội địa vẫn diễn biến phức tạp. Ngoài nỗ lực đấu tranh xử lý vi phạm của từng ngành, các lực lượng chống buôn lậu gian lận thương mại tại tỉnh Lạng Sơn từ biên giới, cửa khẩu, đến lực lượng kiểm soát tại nội địa đang có sự phối chặt chẽ trong công tác phối hợp, trao đổi thông tin để ngăn chặn triệt để tình trạng này.

Hệ lụy từ tình trạng nhập lậu con giống gia cầm

Trong vài tháng qua, hơn 30 vụ vận chuyển con giống gia cầm nhập lậu đã bị ngăn chặn, tiêu hủy hơn 100 nghìn con giống gà vịt các loại. Có cầu ắt có cung vốn là quy luật không thay đổi của thị trường. Vì vậy, một câu hỏi đặt ra vào thời điểm này là giải pháp nào để ngăn chặn triệt để tình trạng nhập lậu con giống từ bên kia biên giới về Việt Nam, khi hệ lụy từ tình trạng này đã từng được các cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo.

Mỗi một con gà chip giống nếu được vận chuyển trót lọt từ vùng biên tỉnh Lạng Sơn về Bắc Giang tiêu thụ thì đối tượng đầu nậu sẽ chỉ lãi được từ 1.000 - 2.000 đồng, sau khi trừ chi phí vận chuyển. Tuy nhiên rủi ro mất lãi vẫn luôn tiềm ẩn khi những con gà chip này mới chỉ được từ 2 - 3 ngày tuổi đã phải vượt qua nhiều quãng đường dài, thay đổi nhiều lần trung chuyển khác nhau. Qua các vụ kiểm tra bắt giữ cho thấy, không ít gà con đã kiệt sức và chết ngạt.

Lợi nhuận từ hành vi nhập lậu con giống gia cầm từ bên kia biên giới về Việt Nam có thể không lớn, nhưng hệ lụy để lại khó có thể tính đếm. Vì được nhập lậu nên những con giống gia cầm này không được kiểm tra thú y, tiềm ẩn nguy cơ cao về mầm mống dịch bệnh.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất giống gia cầm trong nước phải giảm đàn 50 - 60% vì không thể chịu nổi thua lỗ khi bán con giống gà, vịt dưới giá thành sản xuất.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, công tác phòng, chống buôn lậu gia súc, gia cầm là một "cuộc chiến" lâu dài và phải tiến hành thường xuyên, liên tục, do đó cần có các giải pháp đồng bộ.

Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn mỗi năm. Đây là con số không hề nhỏ, cho thấy nhiều lỗ hổng cần phải được giải quyết. Không chỉ thiệt hại kinh tế hàng trăm tỷ mỗi năm, mà sự lây lan dịch bệnh có thể là hậu quả giết chết ngành chăn nuôi trong nước nếu vẫn để tình trạng này diễn ra.

Thời gian tới, để tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, vận chuyển gia súc, gia cầm vào trong nước, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương có biên giới tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (Bộ đội biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, Thú y…) tổ chức đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật qua biên giới; ngăn chặn hành vi hợp thức hóa nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật và chứng thư kiểm dịch động vật.

Gia cầm nhập lậu gia tăng cả về tần suất vận chuyển và số lượng con giống Gia cầm nhập lậu gia tăng cả về tần suất vận chuyển và số lượng con giống

VTV.vn - Trong 3 tháng qua, lực lượng Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và xử phạt 12 vụ, thu giữ trên 200.000 con gà vịt giống nhập lậu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước