Biệt động Sài Gòn tiền thân là các tổ chức Tự vệ quyết tử, được thành lập từ cuối năm 1945, đầu năm 1946 ở Sài Gòn. Trưởng thành sau 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Biệt động Sài Gòn nổi tiếng với cách đánh bí mật, táo bạo ngay trong lòng địch.
Sau 50 năm hòa bình lặp lại, nhiều chiến sĩ biệt động hy sinh vẫn chỉ được biết đến bằng những bí số, bí danh và hành trình đi tìm danh tính thật sự của họ vẫn luôn là nỗi trăn trở, đau đáu của các đồng đội.
Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là đỉnh cao của Biệt động Sài Gòn về nghệ thuật quân sự "xuất quỷ nhập thần", đồng loạt đánh mạnh vào các cơ quan đầu não, căn cứ quan trọng của Mỹ ngụy.
Những bức ảnh này là thông tin về những chiến sĩ biệt động đã góp phần tạo ra tiếng vang ấy. Trong đó, có nhiều chỗ không có hình, chỉ là nền trắng, hoặc xám kèm với bí danh.
Ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối Vũ trang Biệt động cho biết: "Chúng tôi không tìm được danh tính thật, tên họ, quê quán của rất nhiều đồng chí, trong số hơn 60 đồng chí hy sinh. Những điều chúng tôi trăn trở nhất, coi đó là món nợ tinh thần mà nếu như mình không trả được là mình cảm thấy có tội".
"Chúng tôi cũng đã có đề xuất trong nghĩa trang liệt sĩ thành phố, mình có thể dành ra một khu nhỏ làm bia hoặc khu để mình thắp nhang, thắp hương cho biệt động", PGS.TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết.
Hành trình tìm kiếm danh tính của những đồng đội đã ngã xuống sẽ còn tiếp tục. Chiến thắng lớn đến từ những hy sinh to lớn. Tổ quốc mãi khắc ghi những chiến công xuất sắc, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ biệt động. Những chiến công sẽ còn mãi với thời gian và đi vào lịch sử dân tộc, làm nên tự hào của đất nước ngày hôm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!