Tín hiệu tích cực từ chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ

Vũ Em – Tạ Hậu-Thứ ba, ngày 11/01/2022 11:16 GMT+7

VTV.vn - Số ca tử vong do COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh giảm thấp nhất trong đợt dịch lần thứ tư nhờ chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ.

TP Hồ Chí Minh đã có những tín hiệu tích cực khi đã trở thành ''vùng xanh''. Nhiều hoạt động chính thức được hoạt động trở lại với điều kiện thích ứng an toàn. Đáng chú ý là số ca chuyển nặng và số ca tử vong do COVID-19 đã xuống thấp nhất trong đợt dịch lần 4.

Tại một số trung tâm hồi sức COVID-19 của TP Hồ Chí Minh như tại Trung tâm Hồi sức Bệnh viện Đại học Y dược, có thời điểm vào tháng 11 ghi nhận hơn một nửa số ca tử vong do chưa tiêm vaccine

Theo biểu đồ thống kê số ca tử vong do COVID-19, số ca tử vong cuối tháng 11 và đầu tháng 12 vẫn còn cao. Trước tình hình này, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ như là tiêm vaccine, xét nghiệm sàng lọc. Chiến dịch bắt đầu từ ngày 8/12 và sau 1 tháng triển khai, số ca tử vong đã giảm dần.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh: ''Muốn không quá tải phải bảo vệ đối tượng từ xa. Bảo vệ bằng cách nào, bảo vệ làm sao họ phải được tiêm chủng thật là tốt. Họ cần tiêm hai mũi, ba mũi, bổ sung rồi tăng cường. Như vậy, khi mắc bệnh, người ta mắc bệnh nhẹ. Thứ hai, phát hiện sớm các đối tượng đó để mình can thiệp các thuốc kháng virus càng sớm càng tốt. Người mắc bệnh có thuốc kháng virus nữa thì không có bệnh nặng''.

Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ là làm sao các địa phương phải tìm được nhanh nhất những người có yếu tố nguy cơ như cao tuổi, có bệnh nền vì nhiều lý do mà chưa được tiêm vaccine.

Tín hiệu tích cực từ chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ - Ảnh 1.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại nhà cho người cao tuổi tại Quận Tân Phú – Trung tâm y tế Quận Tân Phú (Ảnh: HCDC)

Số liệu qua rà soát từ chiến dịch bảo vệ người nguy cơ cao cho thấy, TP Hồ Chí Minh có hơn 25.000 người thuộc nhóm này chưa tiêm vaccine. Các địa phương đã phối hợp triển khai đội đi lưu động từng nhà để đẩy nhanh tốc độ bảo vệ như là khám sàng lọc, tiêm vaccine cho các đối tượng nguy cơ, đặc biệt là thuyết phục người dân còn e ngại vaccine.

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh cho biết: ''Sở Y tế chỉ đạo Hội thầy thuốc trẻ phối hợp với y tế cơ sở để rà soát, lập danh sách những cô chú, anh chị có nguy cơ cao, bệnh lý nền để tiếp cận và hỗ trợ một cách nhanh nhất. Mũi tiêm an toàn nhất là vaccine được chính sớm nhất để bảo vệ bệnh nhân một cách nhanh nhất''.

Sau khi được đội y tế tư vấn, cô Huỳnh Tú Nghi, phường 3, quận Phú Nhuận chia sẻ: ''Khi gặp các đoàn đến đây mà hướng dẫn, đã thông tư tưởng rồi thì tôi thấy rằng tôi yên tâm hơn. Coi như mình đã trút đi nỗi lo lắng của mình từ trước đến giờ về thuốc chích ngừa''.

Sau 1 tháng phát động, TP Hồ Chí Minh đã có hơn 13.800 người nguy cơ đã được tiêm vaccine, chiếm tỷ lệ 54,8% trong tổng số hơn 25.000 người được rà soát, lập danh sách. Mặc dù đã có những kết quả khả quan về việc bao phủ vaccine và số ca chuyển nặng, tử vong giảm sâu. Tuy nhiên, tỷ lệ người không đồng ý tiêm vaccine vẫn còn. Công việc thuyết phục tiêm vaccine bảo vệ đối tượng nguy cơ còn nhiều khó khăn.

Còn khó khăn trong vận động tiêm ngừa vaccine phòng COVID-19

Một gia đình có cụ ông 79 tuổi, mắc nhiều bệnh nền như ung thư, tim mạch. Vì nhiều bệnh như vậy, gia đình này lo sợ tiêm vaccine sẽ có độ rủi ro cao nên cả nhà không đồng ý cho tiêm vaccine, cách bảo vệ cho ông cụ là cắt cử người chăm sóc.

- Nhà chị có đi ra ngoài thì rất hạn chế tiếp xúc với ông bà. Chỉ có cháu nội học online không đi đâu là một mình nó tiếp xúc với ông bà. Mình muốn hạn chế mức độ tử vong tối đa. Vì thật sự sức khỏe của ông bà không cho phép. Lỡ tiêm mà có hiện tượng gì rủi ra thì không ổn cho ông.

- Tháng 11 tới giờ bệnh nhân nhập viện nhiều nhất là bệnh nhân cao tuổi. Với bệnh lý nền cao như vậy mà không được tiêm mũi vaccine nào thì nguy cơ trở nặng của người ta rất cao.

- Chị cũng quyết định là chị không tiêm cho ông bà. Vì ông ở giai đoạn là cầm tới đâu hay tới đó. Gio có tiêm hay không tiêm thì cũng không giải quyết được gì.

Vậy là công cuộc thuyết phục không thành công. Đây là tình trạng các địa phương gặp phải, việc vận động đang được tiếp tục thực hiện.

''Tâm lý e ngại vì có bệnh nền sợ tiêm vaccine ảnh hưởng nên còn người dân chưa đồng thuận tiêm. Chính vì vậy công tác tuyên truyền vận động liên tục được chính quyền thực hiện'', ông Nguyễn Trung, Chủ tịch UBND phường 3, quận Phú Nhuận cho hay.

Có 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng người thuộc nhóm nguy cơ cao không tiêm vaccine phòng COVID-19 đó là người không muốn tiêm, người vì điều kiện sức khỏe chưa được tiêm, người có bệnh nền, hoặc là F0 nên hoãn tiêm. Do đó, TP sẽ tổ chức nhiều giải pháp để đảm bảo bao phủ vaccine, bảo vệ người yếu thế.

Tín hiệu tích cực từ chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ - Ảnh 3.

Thành phố sẽ tập trung nguồn lực bảo vệ sức khỏe cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền (Ảnh: HCDC)

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: ''UBND TP Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo với Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát trong các đối tượng còn lại, đối tượng nào có điều kiện tiêm vaccine thì mình tiêm ngay tại nhà, để các cô chú yên tâm, có nhóm bác sĩ đến tận nhà, có người chăm sóc tận nhà vì một số người có bệnh lý không đi được''.

Thống kê của Bộ Y tế, trên 80% ca tử vong do COVID-19 là người trên 50 tuổi, có bệnh nền, đặc biệt người chưa tiêm, chưa tiêm đủ liều vacine COVID-19. Do đó hiện các địa phương tăng tốc triển khai quyết liệt bảo vệ đối tượng nguy cơ này.

Tín hiệu tích cực từ chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước