Tinh vi thủ đoạn trục lợi bảo hiểm chế độ thai sản

Xuân Sơn-Thứ hai, ngày 12/08/2024 06:12 GMT+7

VTV.vn - Trong thủ đoạn trục lợi bảo hiểm, ngoài đối tượng chủ mưu là giám đốc một doanh nghiệp, đồng phạm trong vụ án đều là những phụ nữ vừa sinh con nhỏ, không có việc làm...

Liên tiếp các vụ trục lợi bảo hiểm

Thời gian gần đây, không ít các vụ trục lợi tiền bảo hiểm bị phát hiện, xử lý. Hành vi gian lận này có thể có chủ ý ngay từ khi tham gia bảo hiểm hoặc phát sinh sau khi đã xảy ra rủi ro cho đối tượng trong diện được bảo hiểm, nhằm chiếm đoạt tiền bất hợp pháp.

Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa có quyết định khởi tố Trưởng khoa, Phó Trưởng khoa và 2 viên chức thuộc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoằng Hóa về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự, liên quan đến vấn đề trục lợi bảo hiểm.

Trước đó, cuối tháng 5 vừa qua, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Đỗ Thương Thương (trú tại quận Bắc Từ Liêm) về tội tham ô tài sản. Trong thời gian làm kế toán tại Bảo hiểm xã hội quận Nam Từ Liêm, Thương đã lập các ủy nhiệm chi khống trên hệ thống phần mềm kế toán của bảo hiểm xã hội (BHXH), thay đổi thông tin người thụ hưởng trên bảng kê chuyển tiền gửi ngân hàng, chiếm đoạt số tiền gần 70 tỷ đồng.

Thủ đoạn trục lợi bảo hiểm chế độ thai sản

Một vụ án điển hình và có số lượng bị can nhiều nhất từ trước tới nay, đó là nhận định của Phòng cảnh sát Kinh tế, Công tỉnh Hà Nam sau khi đơn vị này điều tra thành công vụ án chiếm đoạt tiền bảo hiểm thai sản và trợ cấp thất nghiệp xảy ra tại một công ty thương mại và xây dựng.

Điều đáng nói, trong thủ đoạn trục lợi bảo hiểm, ngoài đối tượng chủ mưu là giám đốc một doanh nghiệp, đồng phạm trong vụ án này đều là những phụ nữ vừa sinh con nhỏ, không có việc làm, gia cảnh khó khăn.

Hơn 4 năm trước, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và mang thai lần thứ 4, người phụ nữ phải nghỉ việc và dừng đóng BHXH bắt buộc. Thời gian này, chị được giám đốc của một doanh nghiệp tiếp cận, mời chào gửi sổ bảo hiểm vào công ty và tham gia ký khống một số giấy tờ. Mục đích nhằm giả lập hồ sơ để được tiếp tục đóng BHXH.

Tinh vi thủ đoạn trục lợi bảo hiểm chế độ thai sản - Ảnh 1.

Đối tượng Phạm Hùng Mạnh (TP Phủ Lý, Hà Nam).

"Biết là bảo hiểm của mình thì mình hưởng. Tháng đầu đóng cho anh ấy 3 triệu đồng. Tháng sau bảo không có khả năng đóng thì anh bảo anh cứ đóng tiếp cho. Đẻ xong thì anh báo là được hơn 73 triệu đồng tiền thai sản. Đến lúc sang nhận, anh ấy đưa cho 33 triệu đồng", người phụ nữ cho biết.

Khác với trường hợp trên, một người phụ nữ khác lại là người chủ động liên hệ với vị giám đốc doanh nghiệp để được tham gia đóng BHXH.

"Tôi nhận được tiền bảo hiểm thai sản là 73 triệu đồng. Đến bây giờ tôi hối hận khi làm bảo hiểm gian lận như vậy", người phụ nữ chia sẻ.

Giám đốc Công ty thương mại xây dựng Havico là đối tượng chủ mưu. Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận, bằng cách lập khống hợp đồng lao động, khai khống bảng lương, bảng chấm công, đã thông đồng với 37 phụ nữ mang thai hợp thức hóa hồ sơ tham gia đóng BHXH bắt buộc để được hưởng các chế độ bảo hiểm, dù những người này không phải là người lao động của công ty.

"Thông qua làm hợp đồng lao động tuyển dụng vào công ty. Sau khi họ sinh con, họ mang giấy ra viện đến thì tôi đề xuất Bảo hiểm xã hội chi trả cho các cá nhân đấy quyền lợi theo quy định của bảo hiểm", đối tượng Phạm Hùng Mạnh (TP Phủ Lý, Hà Nam) khai nhận.

Quá trình điều tra, cơ quan công an nhận thấy những dấu hiệu bất thường của Công ty Havico: quy mô nhỏ nhưng số người được hưởng chế độ BHXH lại rất lớn; nhiều trường hợp thời gian đóng bảo hiểm ngắn, chỉ từ 6 - 8 tháng; sau khi nhận tiền bảo hiểm hiểm thai sản và trợ cấp thất nghiệp xong thì chấm dứt ngay hợp đồng đóng BHXH.

"Đối với những trường hợp trình độ học lớp 9 nhưng lại ở vị trí là thủ quỹ hay nhân viên hành chính. Trong những trường hợp này, mặt bằng chung về hệ số lương của các nhân viên lại rất cao, do các đối tượng đã khai tăng số lương lên để được hưởng chế độ cao hơn", Trung tá Lê Văn Hưng (Đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Hà Nam) cho biết.

"Vừa đáng thương, vừa đáng trách, do họ thiếu hiểu biết pháp luật. Tất cả những trường hợp bị khởi tố với tội danh gian lận bảo hiểm với mức phạt có thể lên đến 5 năm tù giam", Đại úy Trần Phương Thảo (Điều tra viên Đội 3, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Hà Nam) cho hay.

Đến nay, 28 bị can đã nộp lại gần 2 tỷ đồng, trong tổng số gần 4 tỷ đồng chiếm đoạt của BHXH tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên có những trường hợp chưa thể khắc phục hậu quả, do con còn quá nhỏ, hoàn cảnh gia đình lại quá khó khăn.

Ngăn chặn trục lợi bảo hiểm

Có nhiều lý do cho việc vi phạm, trục lợi bảo hiểm. Vậy biện pháp nào để có thể phát hiện từ sớm, ngăn chặn hiệu quả các trường hợp lập khống hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc để trục lợi tiền bảo hiểm. Người dân khi muốn tham gia BHXH cần lưu ý gì?

Các cán bộ ở Phòng quản lý Thu, Sổ, Thẻ, BHXH tỉnh Hà Nam cho biết, hiện nay ngành bảo hiểm chỉ có chức năng thanh, kiểm tra thủ tục, hồ sơ của các trường hợp tham gia và thụ hưởng các chế độ chính sách BHXH, chưa có chức năng điều tra xác minh lao động thực tế ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, tuy nhiên vẫn có thể phát hiện kịp thời hành vi gian lận bảo hiểm.

"Căn cứ vào dấu hiệu nghi vấn như tần suất thanh toán ốm đau thai sản, số lượng lao động hưởng chế độ thai sản hàng năm chiếm tỷ lệ lớn so với tổng số lao động tham gia BHXH; nhiều lao động nữ tham gia BHXH trong vòng 6 - 8 tháng trước khi nghỉ thai sản…, chúng tôi có thể đề nghị cơ quan Công an cùng các cơ quan chức năng điêu tra, xác minh làm rõ", ông Trần Mạnh Toàn (Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Nam) cho biết.

BHXH là chính sách an sinh xã hội quan trọng nhằm đảm bảo thu nhập cho người tham gia khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do sinh con, ốm đau, bệnh tật hay tai nạn lao động. Tham gia BHXH là nhu cầu thiết yếu đối với mỗi người dân. Đây là hoạt động được điều chỉnh và giám sát chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật.

"Người dân không tham gia lao động tại các doanh nghiệp, công tuyệt đối không lập khống, ký khống các hồ sơ để được hưởng các chế độ bảo hiểm bởi đây là hành vi gian lận bảo hiểm", Đại úy Trần Phương Thảo, Điều tra viên Đội 3, Phòng Cảnh sát kinh tế Công An tỉnh Hà Nam, nhận định.

"Người lao động khi muốn tham gia BHXH bắt buộc cần lưu ý, ngoài việc ký giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, phải có thực tế làm việc và có hưởng tiền lương theo quy định", ông Trần Mạnh Toàn (Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Nam) cho biết thêm.

Ngoài hình thức tham gia BHXH bắt buộc, người dân có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện ở nơi cư trú thông qua các đơn vị, tổ chức làm dịch vụ thu và sẽ được hưởng các quyền lợi về quỹ hưu trí, quỹ tử tuất theo qui định của Luật BHXH. Cơ quan BHXH ở các địa phương cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể về các mức tham gia cho người dân khi tham gia BHXH tự nguyện.

Song song với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát quyết toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm bảo đảm sẵn sàng kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, thực thi chính sách ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, trục lợi bảo hiểm.

Mạo danh cán bộ bảo hiểm xã hội, dọa không nộp tiền thì 'cho đi tù' Mạo danh cán bộ bảo hiểm xã hội, dọa không nộp tiền thì "cho đi tù"

VTV.vn - Thời gian gần đây, người dân tại một số tỉnh thành phố liên tục nhận được các cuộc gọi yêu cầu cập nhật sổ bảo hiểm xã hội, nhưng thực chất, đây là các cuộc gọi lừa đảo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước