TP Hồ Chí Minh: 49 năm phát triển sau Ngày Giải phóng

H.M-Thứ ba, ngày 30/04/2024 06:55 GMT+7

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã thực sự là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, trở thành điểm tựa tinh thần và nền móng vững chắc để người dân TP Hồ Chí Minh dựng xây và phát triển “Thành phố mang tên Bác”

VTV.vn- 49 năm sau Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) cũng là từng ấy thời gian TP Hồ Chí Minh không ngừng vươn lên, xứng danh đầu tàu kinh tế Việt Nam.

Trong hành trình 49 năm qua, từ một thành phố ngổn ngang khó khăn hậu chiến tranh, TP Hồ Chí Minh đã vươn lên giữ vị thế trung tâm lớn về kinh tế, là một trong số ít đô thị của các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số liên tiếp trong một khoảng thời gian dài.

TP Hồ Chí Minh: 49 năm phát triển sau Ngày Giải phóng - Ảnh 1.

Thách thức một lần nữa đến cùng sự xuất hiện của COVID-19. Là địa phương chịu tổn thất nặng nề nhất cả nước trong đại dịch, năm 2021, thành phố lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển, có tăng trưởng âm 6.78%.

Vượt qua thách thức chông gai hậu đại dịch COVID-19, TP Hồ Chí Minh đang dần phục hồi mạnh mẽ

Song trong những thời khắc khó khăn nhất ấy, Thành phố vẫn luôn gìn giữ được những giá trị nền tảng, cối lõi. Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, kinh tế TP Hồ Chí Minh có được sự phục hồi ấn tượng trong năm 2022 với mức tăng trưởng đạt 9.03%, vượt xa kế hoạch đề ra (6-6.5%), thu ngân sách của Thành phố đạt 122% dự toán, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp khoảng 26,5% tổng thu ngân sách của cả nước. Tuy sự gia tăng này được đánh giá là chưa bền vững do chịu tác động từ những yếu tố bên trong lẫn bên ngoài của nền kinh tế song năm 2023, kinh tế TP Hồ Chí Minh vẫn đứng vững với mức tăng trưởng 5.81% (dù thấp hơn kỳ vọng đặt ra đầu năm là từ 7.5%-8%).

Một điểm nhấn về mặt cơ chế chính sách của TP Hồ Chí Minh, góp phần tạo nên sự tăng trưởng trở lại của đầu tàu kinh tế phía Nam và cả nước này, chính là việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố. Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14, tạo điều kiện cho TP Hồ Chí Minh khơi thông nguồn lực và tạo đà phát triển trở lại.

TP Hồ Chí Minh: 49 năm phát triển sau Ngày Giải phóng - Ảnh 3.

Việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh được đánh giá không phải là ưu ái riêng cho Thành phố mà thực tế đang trao cho TP Hồ Chí Minh những cơ chế vượt trội - phù hợp với thực tiễn, huy động nguồn lực và phát huy truyền thống sáng tạo, phát huy vai trò, tiềm năng và gắn trách nhiệm của TP Hồ Chí Minh đối với cả nước.

Bước sang năm 2024, những kết quả rất phấn khởi đã đến với TP Hồ Chí Minh trong quý I. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2024 của Thành phố ước đạt 406.345 tỷ đồng, tăng 6,54% so với cùng kỳ. Tất cả các ngành dịch vụ của Thành phố đều có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Tăng cao nhất là ngành vận tải kho bãi với mức tăng 16,24%, kế đến là dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 6,92%.

Hồi đầu tháng 4, nhận định về tình hình kinh tế Thành phố, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho rằng, thành quả đáng vui mừng, phấn khởi nhưng phải thấy tác động khó khăn từ bên ngoài, còn bên trong thì còn nhiều tồn tại đến giờ chưa giải quyết dứt điểm và phát sinh những tồn tại mới.

Phân tích thêm, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chia sẻ, tăng trưởng tín dụng quý I/2024 chưa cao, dư địa lãi suất tác động đến phục hồi, tăng trưởng còn thấp, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn so với cùng kỳ, thị trường bất động sản phục hồi chưa tốt.

Trong quý I/2024, thu hút đầu tư nước ngoài giảm về quy mô vốn so với cùng kỳ, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng hơn 20%. Địa phương cũng chưa khắc phục được điểm nghẽn về cải cách thủ tục hành chính, tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ, đề án lớn, dự án mới còn chậm.

Qua các dấu hiệu trên, ông Phan Văn Mãi đánh giá nền kinh tế Việt Nam và TP Hồ Chí Minh chưa phục hồi mạnh mẽ. Do đó, TP Hồ Chí Minh cần phải phấn đấu, nỗ lực cao trong quý II và phần còn lại của năm 2024 để đạt được mục tiêu cả năm.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết thêm, Thành phố có 76 nhiệm vụ cần giải quyết bao gồm những tồn đọng trong quý I và nhiệm vụ mới trong quý II. Đối với những nhiệm vụ trong quý I cần phải hoàn thành ngay trong tháng 4, không được chậm trễ. Đồng thời, triển khai sớm các nhiệm vụ của năm liên quan đến chuyển đổi số và Nghị quyết 98.

TP Hồ Chí Minh: 49 năm phát triển sau Ngày Giải phóng - Ảnh 4.

Năm 2024, TP Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương đứng đầu cả nước về tiêu chí là địa phương được nhiều người yêu thích và lựa chọn làm nơi sinh sống.

Trong khi đó, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, các yếu tố thuận lợi để Thành phố Hồ Chí Minh có thể đạt mục tiêu trong năm nay là Trung ương đã đưa ra nhiều chính sách, giải pháp hợp lý để thúc đẩy nền kinh tế được người dân và doanh nghiệp hưởng ứng. Nói về mục tiêu tăng trưởng năm 2024 từ 7,5 - 8%, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết đây là mục tiêu có cơ sở, có niềm tin và phải hiện thực hóa khát vọng này bằng tinh thần "dám nghĩ, dám làm".

Nhìn rộng ra, nhiệm vụ phục hồi tăng trưởng không phải trên nguyên trạng, mà phải gắn với quá trình chuyển đổi cơ cấu, nâng cao chất lượng tăng trưởng, thực hiện nhanh quá trình số hóa nền kinh tế, xây dựng đô thị thông minh… hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, không chỉ là thách thức với TP Hồ Chí Minh trong năm 2024, mà còn là trong dài hạn.

Song tin rằng, với truyền thống cách mạng vẻ vang của thành phố này, với những thành tựu to lớn đã đạt được trong suốt gần nửa thế kỷ qua, TP Hồ Chí Minh sẽ vượt qua thách thức, tiếp tục đi trước về trước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của cả đất nước Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước