Ngày 7/12, tại kỳ họp thứ 8, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, UBND TP Hồ Chí Minh đã có tờ trình đề nghị xem xét, thống nhất chủ trương đảm bảo cân đối đủ vốn ngân sách thành phố tham gia dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài theo phương thức đối tác công tư.
Theo dự kiến, tổng mức đầu tư dự án khoảng 16.729 tỉ đồng. Trong đó nhà đầu tư bỏ ra khoảng 9.300 tỉ đồng, gồm: Chi phí xây lắp khoảng 6.355 tỉ đồng và 2.941 tỉ đồng tiền quản lý, tư vấn, dự phòng và lãi vay. TP Hồ Chí Minh và Tây Ninh sẽ chi 7.433 tỉ đồng ngân sách để bồi thường, giải phóng mặt bằng (trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là 5.901 tỉ đồng và Tây Ninh là 1.532 tỉ đồng).
Theo kế hoạch, TP Hồ Chí Minh dự kiến các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sẽ hoàn thành quý III/2023, sau đó chọn nhà đầu tư ký kết hợp đồng vào quý II/2024. Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện từ quý IV/2023 đến quý III/2025. Công trình sẽ được thi công hoàn thành trong ba năm, từ 2024 - 2027.
Sơ đồ tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài.
UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các đơn vị liên quan rà soát và đề xuất điều chỉnh vốn đã bố trí cho các dự án trên địa bàn thành phố để cân đối nguồn vốn trong phạm vi mức vốn trung hạn đã được thông qua.
Số liệu dự kiến điều chỉnh giảm vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của các dự án trên địa bàn thành phố được sử dụng để cân đối vốn cho các dự án cấp bách (trong đó có dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm…)
Thành phố đang thực hiện các bước để đề xuất Trung ương tăng trần kế hoạch đầu tư công trung hạn ngoài mức vốn trung hạn đã thông qua (dự kiến khả năng cân đối thêm của ngân sách thành phố là khoảng 119.000 tỷ đồng).
Do đó, UBND Thành phố nhận thấy, có thể sử dụng vốn ngân sách thành phố nguồn huy động tăng thêm ngoài mức vốn trung hạn đã được Thủ tướng giao, để đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài.
Theo nghiên cứu tiền khả thi, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài có điểm đầu giao giữa tỉnh lộ 15 với Vành đai 3 (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh); điểm cuối kết nối quốc lộ 22 ở huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh). Toàn tuyến dài khoảng 50 km (giảm khoảng 3 km so với tính toán lúc trước), trong đó đoạn qua TP Hồ Chí Minh dài gần 24 km, còn lại thuộc địa phận Tây Ninh.
Dự án cao tốc sẽ được giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh từ đầu với tổng diện tích hơn 435 ha, hơn 570 hộ dân bị ảnh hưởng. Toàn tuyến được xây dựng trước 4 làn xe trong giai đoạn một, sau đó sẽ mở rộng lên 6-8 làn khi hoàn thiện theo quy hoạch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!