Thống kê tại Khoa Tâm lý - Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh, hiện nay, số trẻ đến khám và điều trị các bệnh lý về tâm thần và trầm cảm tăng hơn so với những năm trước.
Tình trạng học sinh gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần tại các trường học cũng gia tăng, tuy nhiên, số học sinh được đưa đến thăm khám, điều trị tại bệnh viện chuyên khoa tâm thần vẫn rất khiêm tốn so với thực trạng số học sinh gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần tại bệnh viện.
Mới đây, một giáo viên giám thị trường THPT tại Thủ Đức kịp thời phát hiện và ngăn chặn 1 nữ học sinh nữ tự dùng vật sắc nhọn gây chảy máu ở tay trong nhà vệ sinh. Đây không phải trường hợp hiếm ở học sinh hiện nay. Đặc biệt ở lứa tuổi từ 10-16, học sinh gặp những thay đổi lớn về tâm sinh lý, chịu nhiều tác động của các mối quan hệ gia đình, nhà trường, bạn bè và xã hội, rất dễ bị trầm cảm.
Hiện nay, tại các trường học, tình trạng học sinh gặp vấn đề về tâm lý và sức khỏe tinh thần không phải là hiếm. Như tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, có khoảng 15 học sinh đang được nhà trường hỗ trợ bằng các chương trình riêng, phối hợp giữa gia đình và nhà trường, ban giám hiệu cùng giáo viên giám thị trực tiếp vào cuộc.
Mong muốn của các trường là sớm có vị trí việc làm "Chuyên viên tư vấn tâm lý học đường", được đào tạo bài bản, để hỗ trợ cho học sinh.
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay nhiều gia đình còn chưa ý thức được tầm quan trọng của vấn đề sức khỏe tinh thần ở học sinh. Do đó thường đưa các em đến khám điều trị rất muộn, nên để lại di chứng nặng nề và khó điều trị trong thời gian ngắn.
TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần kiến nghị các Bộ sớm có vị trí việc làm chính thức cho nhân viên tư vấn học đường vào các trường để hỗ trợ kịp thời, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!