TP Hồ Chí Minh - Ngày tháng ghi nhớ

Chuyển động 24h-Thứ ba, ngày 12/10/2021 12:29 GMT+7

VTV.vn - Những ngày này, TP Hồ Chí Minh đang chứng kiến nhiều cuộc chia tay và lời cảm ơn lực lượng hỗ trợ, hàng chục nghìn người trở về nhà, về đơn vị trong tâm trạng bồi hồi.

Thu hẹp bệnh viện dã chiến, củng cố hệ thống hồi sức COVID-19

Trường học, ký túc xá, những bệnh viện dã chiến được TP Hồ Chí Minh trưng dụng trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng. Nay, trước sự giảm nhiệt của dịch bệnh, những nơi này sẽ được hoàn trả lại đúng công năng ban đầu.

Các bệnh viện dã chiến đã hoàn thành sứ mệnh, các bệnh viện sẽ dần dừng hoạt động theo lộ trình từ cuối tháng 10.

TP Hồ Chí Minh - Ngày tháng ghi nhớ - Ảnh 1.

Trong khi đó, các bệnh viện quận huyện sau khi chuyển đổi công năng điều trị bệnh nhân thông thường cũng sẽ thành lập những nơi tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng có triệu chứng, nguy cơ trở nặng.

Còn các bệnh viện tầng 2 và tầng 3 do Sở Y tế TP Hồ Chí Minh quản lý sẽ thành bệnh viện đa tầng.

Với các trung tâm hồi sức tích cực thuộc các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ được bàn giao cho Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Nhân dân 115. Còn Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh vẫn sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình.

"Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cho đến khi nào không còn bệnh nhân nặng nữa thì chúng tôi mới kết thúc sứ mệnh của mình" - Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh nói.

Mô hình điều trị COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới vẫn tiếp tục giữ mô hình tháp 3 tầng; tập trung điều trị quản lý sớm F0 tại nhà; tăng cường mở rộng nâng cao vai trò khả năng tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân có triêu chứng nặng và nguy cơ trở nặng ở tầng 2 và duy trì bệnh viện hồi sức COVID-19 tại tầng 3.

Tại các Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19, lực lượng y bác sĩ không rút ngay mà còn duy trì đến gần cuối năm nhưng các công việc cũng đang chuyển giao. Đây là những nơi căng thẳng giành giật mạng sống cho người bệnh, khi các bác sĩ dần hoàn thành nhiệm vụ, trở về thì nơi đây sẽ mãi là ký ức đặc biệt trong nghề nghiệp của họ.

Ngày tháng ghi nhớ tại tâm dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh

Giữa tháng 8/2021, Trung tâm hồi sức COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai đi vào hoạt động. Với quy mô 500 giường bệnh, bệnh nhân nặng đầy ắp khiến các y bác sĩ ở đây luôn phải cẳng thẳng, tập trung điều trị.

Ròng rã chiến đấu giành giật sự sống cho người bệnh, nhiều ca bệnh nặng đã được cứu sống một cách ngoạn mục.

TP Hồ Chí Minh - Ngày tháng ghi nhớ - Ảnh 2.

"Mình mừng rơi nước mắt bởi vì đó là hạnh phúc, bền vững và sức khỏe của người dân. Chắc chắn dịch sẽ được đẩy lùi ở TP Hồ Chí Minh. Đồng thời khả năng đáp ứng của chúng ta sẽ tốt hơn rất nhiều" - TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19, Bệnh viện Bạch Mai nói.

Lượng bệnh nhân xuất viện ngày càng nhiều, nhiệm vụ dần hoàn thành, các y bác sĩ sẽ về lại đơn vị. Những trải nghiệm những ngày tháng nơi đây sẽ mãi là những kỷ niệm không thể nào quên trong chuyên môn làm nghề của các y bác sĩ.

Tri ân các lực lượng tuyến đầu

Ngoài ngành y tế, TP Hồ Chí Minh cũng được các lực lượng quân đội, công an chi viện hỗ trợ cho công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 trong mấy tháng qua. UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ tri ân các đoàn công tác, những người góp phần giúp thành phố lấy lại nhịp sống sôi động phần nào.

Tại buổi tri ân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá, hơn 2 tháng qua, TP Hồ Chí Minh đã đón nhận các đoàn công tác đến với TP Hồ Chí Minh không chút do dự. Nhiều người xa cha mẹ già yếu, con nhỏ, thậm chí không kịp về nhà vĩnh biệt người thân. Không kể ngày nắng hay mưa, các lực lượng mặc kín đồ bảo hộ, luôn bên cạnh bệnh nhân, nhiều lúc ăn không kịp no, ngủ không tròn giấc.

TP Hồ Chí Minh - Ngày tháng ghi nhớ - Ảnh 3.

(Ảnh: Hải An)

"Mấy hôm nay Thành phố phần nào lấy lại sức sống và một nhịp đập trái tim của một cơ thể đang hồi sinh. Thành quả đó có được là nhờ sự chỉ đạo của Trung ương, nỗ lực của Thành phố, của ý thức sự kiên trì của các tầng lớp nhân dân. Và đặc biệt là sự đóng góp to lớn của các lực lượng sự chi viện của mọi miền đất nước" - ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, nói.

Lúc này, tại nhiều quận huyện, các lực lượng đã rút dần. 2 tháng qua, gần 29.000 người đã cùng các lực lượng, người dân của TP Hồ Chí Minh trải qua những buồn vui, những chông gai thử thách. Mỗi người đều mang trong mình những suy tư những tình cảm riêng.

Bịn rịn chia tay lực lượng tuyến đầu

Xếp hành trang vào trong chiếc ba lô người lính, binh nhất Hà Anh Tứ thuộc Sư đoàn 5, Quân khu 7 vui buồn lẫn lộn. Vui vì TP Hồ Chí Minh đã có những tín hiệu tích cực trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, buồn vì tới đây anh và các đồng đội sắp phải chia tay những người dân luôn gần gũi yêu thương sẵn sàng chia sẻ trong những ngày vừa qua.

Khi nhận được lệnh chuẩn bị rút quân, nhiều cán bộ chiến sĩ đã đến chào tạm biệt người dân. Những gói lương khô thay cho lời cảm ơn về những tình cảm yêu thương mà người dân đã dành cho họ trong suốt thời gian qua.

Hành trang khi trở về đơn vị của các chiến sĩ là những chiếc ba lô với vài bộ quần áo và tư trang giản đơn. Trước khi vào TP Hồ Chí Minh, hành trang của họ là quyết tâm cùng thành phố kiểm soát dịch bệnh. Khi trở về, cũng với hành trang này là những tình cảm yêu thương của người dân TP Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh: 21 quận - huyện, TP Thủ Đức đề nghị được công bố kiểm soát dịch TP Hồ Chí Minh: 21 quận - huyện, TP Thủ Đức đề nghị được công bố kiểm soát dịch

VTV.vn - Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải đã nêu ra 5 mặt được và 3 hạn chế sau 10 ngày thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TP Hồ Chí Minh tại buổi họp báo chiều 11/10.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước