Chẳng hạn như tại Bảo hiểm Xã hội TP Thủ Đức, nhiều người cho biết là đã đến đây xếp hàng từ sáng sớm mà giờ vẫn chưa đến lượt. Gần trưa, nhiều người lấy số không kịp đành phải trở về để chiều quay lại nhưng lấy được số thì vào phía trong vẫn tiếp tục phải chờ đợi bởi số người rút bảo hiểm đã vượt quá năng lực xử lý của đơn vị. So với các năm trước, lượng rút hồ sơ bảo hiểm xã hội ở đây đã tăng từ 2 - 3 lần, thậm chí cao điểm có ngày tăng gấp 5 lần.
Người dân đến cơ quan BHXH TP. Hồ Chí Minh thực hiện các thủ tục BHXH. Ảnh: PLO.
Trên toàn thành phố, theo số liệu từ Bảo hiểm Xã hội TP Hồ Chí Minh, 3 tháng đầu năm nay, đã có 37 ngàn hồ sơ rút bảo hiểm xã hội một lần, tăng 19% so với cùng kỳ; tập trung đông ở các quận huyện vùng ven có nhiều lao động ngoại tỉnh như TP Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Quận 12...
Nguyên nhân chính được cho là do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Tròn 1 năm sau làn sóng dịch lần thứ 4, khi đại dịch cơ bản được kiểm soát, người dân ở nhiều tỉnh thành mới ồ ạt ở về TP Hồ Chí Minh nhưng không phải ai cũng tìm được việc làm ngay. Gánh nặng tài chính, nhiều người lao động chọn giải pháp rút bảo hiểm xã hội một lần để có tiền trang trải.
Tình trạng này đang khiến các cơ quan bảo hiểm xã hội lo lắng bởi bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh, dành để trả lương hưu cho người lao động lúc về già. Nay với việc người lao động ồ ạt rút một lần, mục tiêu tốt đẹp mà chính sách này hướng đến sẽ không còn nữa, gây ra gánh nặng an sinh về sau cho xã hội, gia đình và chính bản thân người lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!