TP Hồ Chí Minh rà soát việc sử dụng oxy y tế tại các bệnh viện điều trị COVID-19

Theo SK&ĐS-Chủ nhật, ngày 26/12/2021 09:19 GMT+7

VTV.vn - Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong thời kỳ bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, lượng oxy sử dụng cho công tác điều trị người bệnh COVID-19 dao động từ 300-350 tấn/ngày.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản yêu cầu các bệnh viện rà soát, sử dụng nguồn oxy hợp lý, không để gián đoạn cung ứng oxy trong điều trị bệnh nhân COVID-19.

Sở Y tế đề nghị tất cả các bệnh viện cần tuân thủ đúng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế; lựa chọn các phương tiện hỗ trợ hô hấp phải phù hợp với tình trạng bệnh, đặc biệt lưu ý khi quyết định lựa chọn phương tiện hỗ trợ hô hấp cần sử dụng lượng oxy cao như thở HFNC.

Đồng thời, rà soát lại tất cả các phương tiện dự trữ oxy của đơn vị, đánh giá nhu cầu sử dụng oxy hàng ngày để xây dựng kế hoạch cung ứng oxy, đảm bảo không bị gián đoạn oxy trong điều trị.

Ở thời điểm hiện tại, một số công ty trước đó cung ứng oxy y tế chuyển sang sản xuất oxy cho ngành công nghiệp. Trong khi nhu cầu oxy y tế ở các tỉnh khu vực phía Nam có xu hướng gia tăng, vì vậy có hiện tượng chậm cung ứng oxy y tế tại các bệnh viện.

Ngoài ra, theo Sở Y tế Thành phố hiện có hiện tượng biến động về giá cung ứng oxy của một số công ty, do đó để đảm bảo không bị gián đoạn, các bệnh viện tiếp tục thương thảo và ký hợp đồng, kịp thời thanh toán, quyết toán theo đúng quy định.

Rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19

Bộ Y tế nhận định số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt trên thế giới đã xuất hiện biến thể mới siêu lây nhiễm có thể gây tác động lớn đến hệ thống y tế, vì thế cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch nhất là giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và tiêm chủng vaccine. Lý do vì thời tiết chuyển mùa Đông-Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus, gia tăng giao thương đi lại dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 và nguy cơ xâm nhập của biến chủng mới.

Bộ Y tế cũng có công điện yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19. Theo đó, hiện nay số ca mắc tại các tỉnh, thành phố gia tăng, đặc biệt trên thế giới đã xuất hiện biến chủng mới siêu lây nhiễm có thể gây tác động rất lớn đến hệ thống y tế.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến, đảm bảo cung ứng đủ thuốc, trang phục phòng hộ cá nhân, bảo đảm oxy từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3… Đồng thời, cần rà soát, rút kinh nghiệm và khắc phục bất cập trong việc tổ chức, quản lý, điều hành thu dung, điều trị người bệnh COVID-19.

Các cơ sở y tế cần thực hiện đầy đủ việc "Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị" theo hướng dẫn ngay từ trạm y tế, tổ COVID cộng đồng đến các cơ sở thu dung, điều trị.

Trạm y tế lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà và phân chia theo các nhóm nguy cơ để quản lý, theo dõi chặt chỉ số SpO2 để đánh giá trường hợp tăng nặng và chuyển tuyến kịp thời. Các cơ sở thu dung, điều trị phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện, đồng thời đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh để phân luồng vào các khoa, buồng bệnh phù hợp, thuận tiện cho theo dõi, chăm sóc, điều trị.

Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương triển khai mạnh mẽ, toàn diện "Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ" bằng các biện pháp: rà soát các đối tượng chưa được tiêm đủ vaccine phòng COVID-19, đặc biệt chú trọng các đối tượng nguy cơ cao và rất cao (người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch...) để tiêm đầy đủ vaccine ngay cho đủ liều.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước