TP Hồ Chí Minh: Xóa nhà trên kênh rạch để nâng chất lượng sống

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 23/08/2024 15:24 GMT+7

VTV.vn - Hàng chục năm nay, hàng nghìn hộ dân sống trong các ngôi nhà ven và trên kênh rạch tại TP Hồ Chí Minh là mảng màu tối trong bức tranh chung của đô thị lớn nhất cả nước.

Khó di dời nhà trên và ven kênh rạch

TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025, di dời, giải tỏa khoảng 6.500 căn nhà ven và trên kênh rạch, nhưng đến nay, chỉ mới di dời được gần 11% trong số này. Một trong những khó khăn lớn nhất là do nguồn vốn để di dời giải tỏa nhà ven, trên kênh rạch rất lớn trong khi ngân sách của thành phố chưa bố trí đủ.

Để cải thiện tiến độ ì ạch này, mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã đề xuất hàng loạt chính sách bồi thường, hỗ trợ mới cho người dân thuộc diện giải tỏa. Nếu không có cơ chế, chính sách đột phá để huy động nguồn lực thì tiến độ giải tỏa nhà ven và trên kênh rạch của Thành phố sẽ không được cải thiện.

Việc di dời nhà trên và ven kênh rạch luôn được chính quyền TP Hồ Chí Minh quan tâm và xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 1993 đến năm 2020, việc di dời nhà ở ven, trên kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh đã trải qua 5 giai đoạn với khoảng 38.000 căn đã giải tỏa trong tổng số 65.000 căn. Theo kế hoạch, dự kiến đến năm 2025 sẽ giải tỏa được 2.867 căn trong tổng chỉ tiêu 6.500 căn, đạt tỉ lệ hơn 44%. Một trong những nguyên nhân là do mức hỗ trợ thấp, người dân khó có khả năng di dời đến nơi ở mới.

Nhà anh Minh Cường nằm trên kênh Đôi, quận 8, TP Hồ Chí Minh có diện tích chỉ khoảng 20m2 gồm nhà sàn, 1 tầng vách lợp tôn, gỗ. Theo các quy định cũ từ năm 2018, gia đình anh chỉ nhận được mức hỗ trợ rất thấp, tức không tới mức 40% đất ở, 70% giá trị nhà.

Anh Dương Minh Cường - Phường 8, quận 8, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Dạo này kinh tế khó khăn, công việc làm ít, tôi sợ giải tỏa không có chỗ ở".

Tương tự kênh Đôi, tại Rạch Xuyên Tâm qua quận Bình Thạnh và Gò Vấp, các hộ không có đất đai, nhà cửa không đủ giấy tờ pháp lý, cũng gặp khó khăn vì mức hỗ trợ di dời rất thấp

Ông Nguyễn Hải Sơn - Quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Các hộ ngoài kia có giấy tờ nên giá hỗ trợ đến 50 triệu/m2. Ở đây, giá hỗ trợ chỉ mười mấy triệu. Tổng số tiền được mấy trăm triệu, không làm được gì và không thể kiếm chỗ ở mới".

Theo thống kê của cơ quan chức năng, gần 90% số hộ dân của dự án bờ Bắc kênh Đôi không có giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất. Còn tại Rạch Xuyên Tâm, số hộ dân thuộc diện này cũng khoảng 24%.

Bà Nguyễn Thị Hữu Hằng - Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh tâm sự: "Giờ mình mua nhà ở vùng xa để ở, cho con cái mỗi người một ít. Nó cũng khổ, không nhà không cửa, đi theo mình xa xôi thì con cái không đi học được".

Có thể thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc di dời chậm trễ, như các nhà trên, ven kênh, rạch đều là, nhà tạm bợ lại không có pháp lý; giá nhà tái định cư chậm, giá bồi thường chưa tiệm cận giá thị trường.

TS. Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết: "Những nguyên nhân vừa nêu rất quan trọng. Nhưng chúng tôi cho rằng có nguyên nhân quan trọng hơn nữa, nghĩa là người sống ở ven kênh rạch đa số là những người nghèo và sống bằng nghề buôn bán nhỏ. Cho nên, vấn đề đưa người ta đi chỗ khác, quan trọng nhất vẫn là kế mưu sinh. Chúng tôi cũng gặp những người đã nói rằng, dù ở khó nhưng họ vẫn đi làm, làm ăn được. Nếu khi di dời họ đến nơi mặc dù điều kiện nhà ở có thể tốt hơn nhưng ảnh hưởng chỗ đi làm và sự mưu sinh của họ, buôn bán nhỏ không làm được thì họ không cần điều đó".

Thành phố đã triển khai rất nhiều giải pháp như đầu năm 2023, Sở Xây dựng Thành phố đã từng đề xuất 3 đề án thí điểm chỉnh trang đô thị, di dời nhà ven kênh rạch trên địa bàn quận 7 theo hình thức xã hội hóa đầu tư gồm dự án ao Song Tân, Bần Đôn và dự án sông Ông Lớn nhưng đến nay tất cả đều dậm chân tại chỗ.

Lý giải về vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Nguyên chia sẻ: "Đối với các nhà đầu tư, việc đầu tiên của họ phải tính đến là lợi nhuận, lãi suất. Chúng ta không thể đòi hỏi các nhà đầu tư như những mạnh thường quân hay các công ty phi lợi nhuận. Như vậy, khi các doanh nghiệp tính toán đến một dự án, họ lập tức tính ngay đầu tư vào đó bao nhiêu, thu được lời bao nhiêu, trả được bao nhiêu và nếu không có lời đương nhiên họ từ chối. Hai là lợi nhuận rất thấp thì họ cũng không nhận. Và chúng tôi đã đề xuất ý kiến, nếu chúng ta chỉ ngồi đợi nhà đầu tư với cơ chế và giá cả như hiện tại thì không đợi được. Như vậy, Nhà nước phải đứng ra và phải bỏ tiền đầu tư, bù lỗ hay nói cách khác là hạ giá của các nhà đầu tư xuống hoặc nâng lợi nhuận của họ lên".

TP Hồ Chí Minh: Xóa nhà trên kênh rạch để nâng chất lượng sống - Ảnh 1.

Việc di dời nhà trên và ven kênh rạch luôn được chính quyền TP. Hồ Chí Minh quan tâm và xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội

Đề xuất hỗ trợ người dân phải di dời

Từ năm 1993, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện việc di dời các hộ dân sống trên, ven kênh, rạch. Chương trình thực hiện đạt kết quả ở giai đoạn đầu nhưng tiến độ chậm lại vào giai đoạn sau, khi chủ trương chuyển từ nguồn vốn ngân sách sang nguồn vốn ngoài ngân sách. Để tháo gỡ những vướng mắc trong đền bù hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ, Sở Tài nguyên - Môi trường Thành phố đã đề xuất Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư mới, với những mức hỗ trợ, phương án hỗ trợ tốt hơn so với trước đây.

Đối với đất có nguồn gốc là sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng đã lấn, chiếm và tự chuyển mục đích sử dụng đất thì không được bồi thường nhưng được tính hỗ trợ về đất. Trường hợp sử dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì tính hỗ trợ với mức hỗ trợ là 70% giá bồi thường đất ở. Trường hợp sử dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 trở về sau thì không tính hỗ trợ về đất

Đối với phần diện tích đất không có nguồn gốc là sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng: Tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Về hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu, trường hợp thu hồi toàn bộ nhà ở, đất ở đủ điều kiện bồi thường về đất ở thì được giải quyết tái định cư bằng nền đất hoặc nhà ở xã hội. Trường hợp thu hồi toàn bộ nhà ở, đất ở nhưng không đủ điều kiện bồi thường về đất ở, nếu diện tích đất ở thu hồi lớn hơn hoặc bằng hạn mức giao đất ở tại địa phương thì giải quyết tái định cư bằng nền đất hoặc nhà ở xã hội. Nếu diện tích đất ở thu hồi nhỏ hơn hạn mức giao đất ở tại địa phương thì giải quyết tái định cư nhà ở xã hội.

Các trường hợp được giải quyết tái định cư nhưng tiền bồi thường, hỗ trợ về đất ở không đủ so với giá trị của một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ đủ để được giao một suất tái định cư tối thiểu

Trường hợp tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ về nhà ở, đất ở hộ dân được nhận không đủ thanh toán giá trị nhà ở trong khu tái định cư thì Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án xem xét giải quyết cho hộ dân được trả góp

Đánh giá về chính sách hỗ trợ mới này, TS. Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh nhận định: "Chúng ta mới tập trung vào vấn đề giá cả. Tức là giá trị nhà đang ở chúng ta bồi thường cho họ tương đương với giá đó, tức là chí ít thì bằng, nếu mà cao hơn thì rất tốt. Nhưng đó mới là một yếu tố. Yếu tố quan trọng hơn là trả cho họ một số tiền tương đương nhưng đưa họ đến đâu. Nếu đưa họ đến đó thì họ đi làm như thế nào, buôn bán bằng cái gì, lo thế nào để người dân có được kế sinh nhai của họ".

Nghị quyết 98 cho phép thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, trong đó cho phép Hội đồng Nhân dân Thành phố có thể sử dụng ngân sách để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án chỉnh trang, phát triển đô thị.

TS. Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Theo tôi, Thành phố hoàn toàn có thể vận dụng cơ chế đặc thù vượt trội theo nghĩa là nếu như Trung ương không cho thêm kinh phí thì chúng ta điều chỉnh kinh phí từ dự án khác. Những dự án kinh tế chúng ta có thể hi sinh một phần của tăng trưởng kinh tế để phục vụ cho lợi ích mang tính xã hội. Thành phố hoàn toàn có thể điều chỉnh điều này, nằm trong cơ chế đặc thù, quyền hạn của Thành phố. Nếu chúng ta chỉ dựa vào quy hoạch như cũ là 19.000 tỷ và đợi kêu gọi các nhà đầu tư thì chắc chắn sẽ kéo dài".

TP Hồ Chí Minh: Xóa nhà trên kênh rạch để nâng chất lượng sống - Ảnh 2.

Lụp xụp, tối tăm, không gian chật chội, ẩm thấp, sống chung với nước thải, rác thải, mùi hôi

Kỳ vọng với chính sách hỗ trợ mới

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh còn khoảng hơn 10.000 căn nhà trên kênh, rạch tập trung ở Quận 8, Quận 4 và rải rác trên một số kênh, rạch ở các quận, huyện của Thành phố. Được đánh giá là có nhiều điểm đột phá so với trước, chính sách hỗ trợ mới được Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố đề xuất, mang đến kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến trình di dời nhà trên và ven kênh rạch của TP Hồ Chí Minh.

Ông Phạm Hồng Thuận - Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Đối với chính sách mới mà Sở Tài nguyên Môi trường đang trình, bán nhà ở xã hội với giá thấp hơn giá nhà tái định cư. Cùng với đó tăng mức hỗ trợ lên cho người dân, tiền chênh lệch để người dân trả góp hàng tháng sẽ thấp, đảm bảo người dân đủ khả năng để trả góp".

Ông Nguyễn Kiên Trung - Phó Chủ tịch UBND phường 5, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Điều chỉnh có hướng lợi cho người dân thì việc tuyên truyền vận động của các ban ngành đoàn thể phường, đặc biệt là trong công tác quản lý nhà nước của phường sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Khi đó, người dân cảm thấy chính quyền địa phương, chính quyền Thành phố có sự đồng hành với họ, cảm thông được sự khó khăn của họ khi không còn đất, phải tái định cư nơi khác".

Ông Trần Văn Ngọc - Phường 5, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Bồi thường giá cả tốt hơn luật cũ. Cho nên người dân rất đồng thuận và kỳ vọng đợt này Nhà nước có chính sách tốt hơn cho người dân".

Việc tìm kiếm vị trí thích hợp để di dời, tái định cư cho các hộ gia đình cũng là một trong những thách thức lớn trong bối cảnh Thành phố không còn nhiều không gian trống để xây dựng khu dân cư mới, đặc biệt là vùng gần khu trung tâm.

TS. Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh đưa ra giải pháp: "Việc di dời họ không thể tính theo cách quy hoạch cả một vùng sẽ dời về đâu mà đôi khi phải tính đến nguyện vọng riêng của từng người dân, tương đối nhóm nhỏ hơn. Nếu bốc cả một nhóm đi thì điều đó rất khó. Có lẽ chính quyền địa phương và cơ quan chức năng phải sâu sát hơn nữa với nguyện vọng của người dân. Quy hoạch tổng thể dễ dàng hơn, phải điều tra được tỷ lệ đa số như thế nào để cho người dân, những người thiểu số họ thấy đa số là như thế thì họ phải làm theo".

Lụp xụp, tối tăm, không gian chật chội, ẩm thấp, sống chung với nước thải, rác thải, mùi hôi. Hàng chục năm nay, hàng nghìn hộ dân sống trong các ngôi nhà ven và trên kênh rạch tại TP Hồ Chí Minh là mảng màu tối trong bức tranh chung của đô thị lớn nhất cả nước. Nhiều năm nay, việc di dời, giải tỏa nhà ven sông, kênh rạch đã được Thành phố quan tâm, nhưng chủ trương vẫn cần chính sách cụ thể, vốn và cách tổ chức thực hiện hợp lý. Cả nước đang nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát trước năm 2025. Là đô thị lớn nhất cả nước TP Hồ Chí Minh cần thực hiện nhanh hơn nhiệm vụ xóa nhà trên kênh rạch để nâng chất lượng sống của hàng trăm nghìn người dân và góp phần thay đổi diện mạo của Thành phố.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước