TP.HCM gắn liền với hệ thống sông, kênh rạch khá dày đặc. Do quá trình đô thị hóa cộng với việc chưa được quy hoạch tổng thể, chưa được kè bờ khiến sông rạch bị lấn chiếm, bị sạt lở, ô nhiễm nghiêm trọng. Để cải tạo hệ thông kênh rạch này, thành phố phải di dời khoảng 20.000 căn hộ, thuộc 61 dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đây là bài toán thực sự không dễ dàng khi thành phố phải quy hoạch cải tạo làm sao để vừa đảm bảo được quyền lợi của người dân, vừa thu hút được doanh nghiệp đầu tư.
Những bờ sông bị lấn chiếm, ô nhiễm nghiêm trọng sẽ được quy hoạch trở thành những khu vực đẹp đẽ gọi là quy hoạch hạ tầng xanh. Các khu vực hành lang ven sông, kênh rạch sẽ được quy hoạch lùi sâu bên trong, khoảng không gian này sẽ được dùng để kêu gọi đầu tư vào rất nhiều hạng mục khác nhau như: công viên, thương mại, vui chơi, giải trí…
Tại hội thảo về đầu tư cải tạo hệ thống kênh rạch của thành phố vừa được tổ chức, các chuyên gia nhấn mạnh, ngoài việc quy hoạch tốt, thì quan trọng nhất là cơ chế thực thi phải tốt. Để hợp tác công tư thành công, phải làm rõ lợi ích có được của 3 bên: người dân, doanh nghiệp và chính quyền.
Theo tính toán, thành phố cần phải huy động hơn 23.000 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng nhà ven kênh. Con số này không hề nhỏ. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, chính quyền thành phố cần đổi mới tư duy, đưa ra những công cụ về thuế, chuyển quyền phát triển để gia tăng giá trị, hấp dẫn đầu tư tư nhân.
Theo các chuyên gia, chi phí đầu tư dự án hợp tác công tư thường lớn gấp 2,3 lần so với bình thường do phải đầu tư cả một khu phức hợp để có thể khai thác, thu hồi vốn. Vì vậy, kiểm soát kinh phí đầu tư, minh bạch công khai cũng là bài toán cần tính đến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!