TP. Thủ Đức - Khát vọng của đầu tàu kinh tế cả nước và những câu hỏi chờ lời giải

Sự kiện và Bình luận-Thứ bảy, ngày 10/10/2020 12:12 GMT+7

VTV.vn - Đề xuất TP. Thủ Đức là khát vọng từ hàng chục năm qua của TP.HCM. Với diện tích 212 km vuông và dân số 1.1 triệu dân, TP. Thủ Đức kỳ vọng sẽ đóng góp 30%GDP cho TP.HCM.

Lần đầu tiên mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc trung ương được đề xuất tại Việt Nam - đó là thành phố Thủ Đức, nằm ở khu vực cửa ngõ phía Đông của TP.HCM. Đề xuất này đang thu hút sự chú ý của công luận tuần qua... kỳ vọng trở thành động lực phát triển mới của thành phố đầu tàu kinh tế cả nước.

Nói về đề xuất TP. Thủ Đức, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: "TP. Thủ Đức - là kỳ vọng từ hàng chục năm nay của TP.HCM, với việc sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành 1 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Với 1,1 triệu dân, 212 km vuông, bằng 10% diện tích và dân số toàn Thành phố nhưng TP. Thủ Đức được đặt mục tiêu sẽ tạo ra 30% GDP và là hạt nhân phát triển cho TP.HCM, sau đó là cho vùng và cả nước".

Câu chuyện nhìn từ phố Đông, Thượng Hải (Trung Quốc)

Nói tới mô hình thành phố trong thành phố, nhiều người liên tưởng đến phố Đông ở Thượng Hải, Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc và chính quyền thành phố Thượng Hải đã làm gì để biến một vùng đất nghèo nàn, khá lạc hậu thành hình mẫu cho sự phát triển vượt trội mang tầm châu Á và thế giới chỉ trong chưa đầy 2 thập kỷ?

Từ một vùng đất gần như chỉ có nhà thấp tầng, một huyện nghèo của Thượng Hải khi Trung Quốc triển khai đại quy hoạch thập niên 90 thế kỷ trước thì chỉ 15 năm vùng đất nghèo này trở thành một đô thị khổng lồ, hiện đại. Phố Đông - quận rộng nhất TP Thượng Hải với 1210 km vuông, dân số 5,6 triệu người. Dù là quận nhưng hầu như chẳng khác một thành phố, với đầy đủ bộ máy, quyền tự quyết cao đối với sự phát triển của mình.

Phố Đông được quy hoạch bài bản như một chỉnh thể hoàn chỉnh với sân bay quốc tế phố Đông, hệ thống tàu điện ngầm chằng chịt, khu chế xuất - khu Công nghiệp, Cảng biển tầm cỡ thế giới, Các khu tự do thương mại FTZ quy mô lớn…

Nhận định về câu chuyện phố Đông, Thượng Hải, phóng viên Thái Bình - Phóng viên Thường trú Đài THVN tại Trung Quốc chia sẻ: "Trung Quốc đã dành nhiều nguồn lực từ tiền bạc đến chính sách để phố Đông bứt phá và thành hình mẫu cho sự phát triển. Trong chục năm đầu, Chính phủ Trung Quốc đã bỏ ra hơn 10 tỷ USD để đầu tư xây hàng loạt hầm chui và cầu nối liền phố Đông với khu trung tâm Thượng Hải hiện tại.

"9 con hầm, mỗi con hầm dài 3-4km, 4 cây cầu, mỗi cây dài ít nhất 7km, chỉ xây 3 năm là xong. Với khẩu hiệu 1000 ngày cho 1 công trình lớn và 100 ngày cho công trình nhỏ mà giờ phố Đông là nơi tập trung những tòa nhà mang tính biểu tượng hàng đầu Trung Quốc và thế giới.

"Tòa nhà Shanghai Tower 225 tầng cao 632 mét, cao hàng đầu Trung Quốc và thế giới, hay tòa nhà biểu tượng Tháp Truyền hình Minh Châu Phương Đông 468 mét. Thu nhập bình quân đầu người hàng đầu Trung Quốc, góp phần biến GDP TP Thượng Hải 24 triệu dân lên đến hơn 550 tỷ USD năm, ngang với GDP Thái Lan. Thượng Hải là trung tâm tài chính thứ 3 thế giới sau London (Anh) và New York (Mỹ)...

Những bài toán cần lời giải về TP. Thủ Đức

Trở lại với câu chuyện về TP. Thủ Đức, thẳng thắn nhìn nhận, đây là vùng có lợi thế cực lớn về giao thông, hạ tầng, quỹ đất ,vị trí chiến lược, với Trung tâm tài chính ở Thủ Thiêm (quận 2), Trung tâm Công nghệ cao ở quận 9 và Trung tâm Giáo dục với Đại học Quốc gia và hàng loạt trường đại học lớn ở Thủ Đức.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đã nêu lên hàng loạt vấn đề cần lời giải như việc phải có quy hoạch bài bản, ưu tiên hạ tầng ra sao để tránh những bài học mà TP.HCM đang phải đối mặt như ngập nước, tắc đường... Bên cạnh đó, vấn đề xây dựng cơ chế riêng để đột phá chứ không phải chỉ sáp nhập 3 quận thành 1 còn vận hành thì vẫn thế. Hay đơn giản và trực tiếp hơn là câu hỏi: lấy nguồn lực tài chính từ đâu để triển khai đồng bộ và nhanh chóng? Khi các mô hình tương tự ở nước ngoài đều cần đến hàng chục tỷ USD?

Tính khả thi của đề án này thế nào? Cần những yếu tố nào để trở thành hiện thực? Sự cần thiết của những cơ chế có tính đột phá để thúc đẩy mô hình này phát triển? - Đó là những vấn đề được nêu ra bàn luận qua chương trình Sự kiện và Bình luận, phát sóng ngày 10/10/2020, mời độc giả quan tâm theo dõi qua VIDEO!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước