Vết thương do tiếp xúc kiến ba khoang. Ảnh: PLO.
Da bị bỏng, nổi sẩn, nổi hồng ban hoặc có chùm mụn nước nhỏ trên da là tình trạng của nhiều bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viên Da liễu TP.HCM vì bị kiến ba khoang hoặc côn trùng đốt. Trung bình mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận từ 80 - 100 ca viêm da. Bệnh nhân có cả trẻ em lẫn người trưởng thành.
Theo các chuyên gia, kiến ba khoang chứa dịch tiết độc nên khi tiếp xúc với da sẽ gây viêm da, bỏng da. Do đó, khi phát hiện kiến ba khoang bò trên da, tuyệt đối không được đập vào da khiến cho chất độc phát tán và lan rộng.
"Do bệnh nhân vô tình quẹt trúng vị trí đó rồi đụng vào chỗ khác nên nó lây lan ra thêm. Một số trường hợp khác là do người ta lỡ đập con côn trùng đó rồi quẹt đi khiến dịch tiết của con côn trùng đó lây lan ra thêm" - BS.CKII Vũ Thị Phương Thảo - Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Da liễu TP.HCM cho hay.
Tổn thương da do kiến ba khoang gây ra rất dễ nhầm với bệnh zona. Ảnh: Dân trí.
Cũng theo BS Thảo, tùy theo cơ địa của mỗi người mà vết thương nhiễm trùng sẽ lâu hoặc nhanh lành. Một số người có cơ địa đặc biệt nhạy cảm, chỉ cần bị kích thích nhỏ cũng có thể gây ra phản ứng nặng toàn thân.
"Thông thường chỉ mất từ 1 tuần đến 10 ngày là da đã có sự cải thiện rồi. Khi lành nó chỉ để lại vết tăng sắc tố sau viêm là vết thâm, ít khi để lại sẹo. Chỉ khi nào bệnh nhân gãi nhiều quá làm tổn thương lớp hàng rào bảo vệ da thì mới để lại sẹo" - BS Thảo nói.
Người dân thường bị thầm lẫn giữa bị kiến ba khoang hay côn trùng đốt với bệnh zona hay còn gọi là giời leo. Tuy nhiên, khi bị kiến ba khoang đốt bề mặt chỗ tổn thương không bị đau như zona.
Để hạn chế bị kiến ba khoang, côn trùng đốt, các bác sĩ khuyến cáo người dân trong mùa này cần mặc quần áo dài khi ra vườn, tốt nhất là mang găng tay, găng chân để bảo vệ che chắn các vùng da trên cơ thể.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!