Tràn lan các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân

Anh Tuấn, Mạnh Hùng-Thứ ba, ngày 14/01/2025 17:36 GMT+7

Current Time0:00
/
Duration0:00

VTV.vn - Bãi chôn lấp rác thải tại nhiều địa phương đang quá tải, gây áp lực lên môi trường và quỹ đất. Phân loại rác tại nguồn trở thành giải pháp cấp bách để giảm thiểu ô nhiễm.

Dự kiến, từ ngày 1/1/2025, Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ yêu cầu thực hiện phân loại rác thải đồng bộ trên toàn quốc. Tuy nhiên, giữa hiệu lực của luật và thực tế triển khai vẫn còn một khoảng cách lớn. Nếu công tác phân loại rác thải tại nguồn không được thực hiện hiệu quả, khối lượng rác thải trong khâu thu gom và xử lý sẽ gia tăng, gây thêm áp lực cho môi trường.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay có tới 64% lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng cách chôn lấp lộ thiên. Tuy nhiên, phương án này đang bộc lộ nhiều bất cập, không chỉ về môi trường mà còn về quỹ đất ở các địa phương có bãi chôn lấp.

Tràn lan các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân - Ảnh 1.

Nhìn từ trên cao, bãi chôn lấp rác thải tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh trông giống như một ngọn núi lớn, hình thành từ việc tập kết và chôn lấp rác thải sinh hoạt. Dù đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2021, nhưng sau 3 năm, bãi rác này đã gần hết sức chứa theo thiết kế. Khi ô chôn lấp đầu tiên ngừng tiếp nhận, ô thứ hai nhanh chóng bị lấp đầy do lượng rác thải mỗi ngày lên tới 180 tấn.

Ông Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng thành phố Cẩm Phả cho biết: "Chúng tôi thực hiện đầy đủ quy trình như dải bạt, phun thuốc và lấp đất để giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở mức thấp nhất." Tuy nhiên, hiện tại, công suất của bãi rác đã đạt gần mức tối đa. Đơn vị quản lý đang cố gắng tăng cường phương tiện thiết bị để giảm tải, đồng thời chuẩn bị các kế hoạch cho năm tới.

Tương tự, tại bãi tập kết rác ở thôn Đồng Lá, xã Hòa Bình, thành phố Hạ Long, lượng rác thải tồn đọng đã lên đến hơn 1 triệu tấn. Mỗi ngày, bãi rác này lại tiếp nhận thêm gần 200 tấn rác mới, khiến bãi rác ngày càng phình to và chất chồng cao hơn. A

nh Lưu Du Toàn, một người dân tại đây chia sẻ: "Càng ngày, bãi rác càng đầy. Trước đây đổ ở ngoài, giờ lại đùn đẩy vào trong. Máy móc liên tục phải đè xuống để san gạt."

Tràn lan các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân - Ảnh 2.

Tại bãi chôn lấp rác thải Đông Nam ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tình trạng quá tải cũng diễn ra tương tự. Với công suất thiết kế ban đầu chỉ 230 tấn/ngày, hiện nay bãi rác này đã phải tiếp nhận gấp đôi số lượng rác thải đó, dẫn đến quỹ đất nhanh chóng cạn kiệt.

Ông Lê Anh Đức, Phó Giám đốc Xí nghiệp Xử lý Môi trường, Công ty Công trình Đô thị Thanh Hóa cho biết: "Rác đã tràn qua mức trung bình 2m, quỹ đất sẽ không còn nữa, và ảnh hưởng đến đời sống của người dân nơi đây."

Dù chưa có con số thống kê cụ thể về các bãi chôn lấp rác, nhưng tại nhiều địa phương hiện nay vẫn đang duy trì việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng cách chôn lấp. Một thực tế dễ nhận thấy, sử dụng phương án này gây tốn kém và lãng phí tài nguyên đất đai. Vì ngoài phần diện tích dành để chôn rác- thì các vị trí này đều phải đảm bảo khoảng cách an toàn cách xa khu dân cư. Hơn nữa, khi mà rác thải chưa được phân loại chôn lấp xuống đất, có chứa rác thải nhựa thì rất khó có thể phân hủy được.

Băn khoăn xung quanh bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt

Bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tại địa phương nằm giữa trung tâm thành phố Hưng Yên với diện tích lên đến 12 ha. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, ô chôn lấp rác số 1 đã đóng cửa từ năm 2021. Cũng từ đây, ô chôn rác số 2 bắt đầu khởi động. Bãi rác phình to bao nhiêu, thì lại càng tiến sát đến khu dân cư bấy nhiêu.

Theo quy định, vị trí bãi chôn lấp phải có khoảng cách an toàn môi trường đến các đô thị, cụm dân cư tối thiểu là 3.000m. Tuy nhiên thực tế đối với bãi chôn lấp rác này, thì quy định đó khó có thể được đáp ứng.

Ông Vũ Ngọc Nam, Chủ tịch UBND phường An Tảo, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên thông tin: "Theo như bây giờ khoảng cách chỉ còn 130m thôi. Quá ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng nguồn nước và sức khỏe của nhân dân"

Ông Lê Đức Lành, Trưởng Phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết: "Thực ra chỗ này quy hoạch trên 20ha. Hiện mới sử dụng trên 12ha thôi. Thời điểm năm 2018 thì đảm bảo quy chuẩn của Bộ xây dựng đối với khoảng cách với khu dân cư"

Ngoài nỗi lo về khoảng cách an toàn khó đảm bảo, công nghệ xử lý rác tại các bãi chôn lấp hiện nay cũng đang là cả một vấn đề khiến người dân lo ngại. Một thực tế chung là rác sau khi thu gom về được phun chế phẩm sinh học có tác dụng tăng cường phân hủy chất hữu cơ, giảm mùi hôi, rồi đem chôn, dầm nén xuống đất. Quá trình tự xử lý này không chỉ phát tán mùi ra không khí mà hàng ngày còn phát sinh lượng lớn nước rỉ rác ra môi trường.

Tràn lan các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân - Ảnh 3.

"Chôn lấp rác quan điểm của tỉnh hiện nay sẽ không kéo dài. Đây là tình thế trong thời gian trước mắt hiện nay thôi. Trước mắt tỉnh kêu gọi 2 chủ đầu tư chuyển sang công nghệ thu hồi nhiệt để đốt rác phát điện" - Ông Lê Đức Lành, Trưởng Phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết thêm.

Còn đây là những gì đang diễn ra ở khu chôn lấp rác thải ở thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đơn vị vận hành khẳng định, các bước xử lý đã được thực hiện theo đúng quy trình. Lót bạt, phun chế phẩm khử mùi, phủ đất, thường xuyên duy trì hệ thống xử lý nước thải… nhưng nguy cơ gây ô nhiễm vẫn là điều khó tránh khỏi. Nước rỉ rác chảy ra từ ô chôn lấp vẫn khiến dòng suối kế bên bị nhuộm màu đen như thế này.

Ông Vũ Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Công ty Thanh Phong cho biết: "Thực tế đã là chôn lấp thì rất ô nhiễm. Nguy cơ mưa gió, bão gió hay cả lấp đất thì không thể tránh khỏi. Hàng năm công ty mong muốn chính quyền địa phương, tỉnh vào cuộc, xây dựng bãi chôn lấp hợp sinh hơn hoặc chuyển công nghệ đốt"

Để duy trì hoạt động các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, hàng năm, các địa phương đều phải chi trả không ít chi phí để thực hiện các gói thầu: xử lý chôn lấp rác thải và xử lý nước rỉ rác. Với mỗi địa phương lại có một đơn giá khác nhau. Từ những gì đã diễn ra đến nay cho thấy việc chôn lấp rác thải "hợp vệ sinh" lại chưa đạt được hiệu quả "đảm bảo vệ sinh" như mong đợi.

Sống mòn bên bãi chôn lấp rác thải

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay cả nước có khoảng 1.700 cơ sở xử lý rác thải, với hơn 1.200 bãi chôn lấp. Nghĩa là tăng khoảng 120 bãi so với năm 2019. Các nhà khoa học cảnh báo hình thức xử lý này chủ yếu là để khuất mắt người dân.

Nhằm giảm dần tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp trên tổng lượng chất thải được thu gom đến năm 2025 là dưới 30%, đến năm 2030 là dưới 10%. Và việc phân loại rác thải tại nguồn được coi là tiền đề để thực hiện mục tiêu này.

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống gần các bãi chôn lấp rác lại đang khiến người dân phải đối mặt với những ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ cách bãi rác hơn 100m, một khu dân cư đông đúc tại Quảng Ninh hàng ngày phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc từ các bãi rác. Người dân cho biết: "Tầm 4h sáng là mùi đã bốc lên. Cả cây số vẫn cứ thối, không thể chịu được." Một số hộ gia đình phải đeo khẩu trang không chỉ khi ra ngoài mà ngay cả khi đi ngủ, vì mùi hôi từ bãi rác quá nặng.

Tràn lan các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân - Ảnh 4.

Trong khi đó, ao cá của một gia đình sống gần bãi rác cũng phải chịu cảnh cá chết bất thường do ô nhiễm từ bãi rác. "Cá cứ nổi vân màu, nhược màu, không thể nuôi được nữa. Nước trong ao cũng đen sì và bốc mùi," một người dân cho biết. Họ cũng không dám sử dụng nước này để tưới rau vì lo ngại bị ô nhiễm.

Chung cảnh ngộ, nhiều hộ dân ở thôn Đồng Lá, xã Hòa Bình, thành phố Hạ Long cũng phải hứng chịu ô nhiễm từ bãi tập kết rác thải quy mô lớn, nơi tồn đọng hàng triệu tấn rác. "Bãi rác này không có quy trình xử lý rõ ràng, ruồi muỗi, mùi hôi lúc nào cũng có," anh Lưu Du Toàn, một người dân chia sẻ.

Nghịch lý xảy ra khi chính tại vị trí này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt chủ trương xây dựng một nhà máy xử lý chất thải rắn từ năm 2016. Tuy nhiên, sau 8 năm, nhà máy này vẫn chưa đi vào hoạt động, khiến người dân vẫn phải sống mòn bên bãi chôn lấp rác mà không biết khi nào rác mới được chuyển đi.

Tràn lan các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân - Ảnh 5.

Trong khi bãi tập kết rác gây ô nhiễm thì một nghịch lý đang xảy ra: cũng tại vị trí này UBND tỉnh Quảng ninh đã chấp thuận chủ trương cho xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn từ năm 2016. Hiện nay, sau 8 năm, nhà máy vẫn chưa đi vào hoạt động, gây lãng phí nguồn lực đất đai cho nhà nước. Còn người dân trong vùng ảnh hưởng vẫn phải sống mòn bên bãi chôn lấp mà không biết khi nào rác mới được chuyển đi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước