Tràn lan tình trạng xúc phạm, bôi nhọ người khác trên mạng xã hội

Xuân Sơn, Thanh Long, Việt Linh, Linh Chi, Đình Hưng-Chủ nhật, ngày 04/08/2024 21:46 GMT+7

VTV.vn - Hiện nay, mạng xã hội đang ngày càng trở thành nơi bùng phát các hành vi xúc phạm, bôi nhọ danh dự người khác gây ảnh hường đến đời sống tinh thần của nạn nhân.

Mạng xã hội ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại, mạng xã hội cũng đang trở thành nơi bùng phát các hành vi xúc phạm, bôi nhọ danh dự người khác. Những trường hợp này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của nạn nhân mà còn có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng trong cuộc sống thực.

Gần đây, một nhân viên văn phòng đã phải trải qua cú sốc tinh thần nặng nề khi một mâu thuẫn nhỏ với đồng nghiệp bỗng chốc trở thành câu chuyện công khai trên mạng xã hội. Người đồng nghiệp này đã đăng tải những lời lẽ xúc phạm danh dự của anh lên mạng, khiến anh rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần. "Người thân trong gia đình cũng cảm thấy bất an, lo lắng. Công việc của tôi cũng bị ảnh hưởng khi đến chỗ làm mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt khác," anh chia sẻ.

Ông Phạm Mạnh Hà, Chuyên gia tâm lý, cho biết: "Nhiều người không biết rằng, mình nói, mình xúc phạm, mình tấn công người khác là mình đang vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, cho nên ở 1 khía cạnh nào đó người ta rất dễ dàng thoải mái trong việc thực hiện hay thể hiện phát ngôn của mình 1 cách thái quá".

Thực tế, không chỉ là những bình luận ác ý, mà các clip chửi thề, nói xấu cũng xuất hiện tràn lan. Một sự việc nghiêm trọng đã xảy ra vài năm trước khi một nữ sinh ở Đồng Nai uống thuốc tự tử do bị vu khống và xúc phạm trên mạng xã hội, dẫn đến khủng hoảng tâm lý trầm trọng.

Trung tá Đỗ Thị Phương Thanh, thuộc Khoa Nghiệp vụ và Điều tra hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân, cảnh báo: "Những thông tin trên mạng xã hội có thể đưa đến rất nhiều người và những thông tin này nhiều khi lại không được những người đó kiểm chứng. Do đó việc chúng ta đưa ra những nhận định, chia sẻ cũng có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến các cá nhân khi chúng ta chưa có sự kiểm chứng. Và những vấn đề này nó cũng liên đới những qui định liên quan đến trách nhiệm công dân và thậm chí là về cả mặt pháp luật".

1 năm trở lại đây, Công an quận Hà Đông, Hà Nội cũng đã tiếp nhận hơn 20 trường hợp người dân gửi đơn trình báo về việc bị xúc phạm danh dự trên mạng xã hội. Cơ quan công an cho biết, nguyên nhân chủ yếu là từ những mâu thuẫn trong làm ăn, trong quan hệ tình cảm và trong cuộc sống hàng ngày.

Trung tá Trần Việt Dũng, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp, Công an quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: "Lúc đầu là lời qua tiếng lại trên mạng. Sau đó thì có thể dẫn ẩu đả gây mất an ninh trật tự. Mới đây chúng tôi đã phải ra lệnh bắt tạm giam, xử lý hình sự, khởi tố 1 đối tượng để điều tra về tội làm nhục người khác. Do mâu thuẫn tình cảm, đối tượng đã có hành vi cắt ghép ảnh 1 người phụ nữ vào ảnh khỏa thân, rồi tung lên mạng xã hội để xúc phạm danh dự người này..

Mới đây công an tỉnh Nguyên đã bắt giữ 3 đối tượng để điều tra về hành vi phát tán video có nội dung đồi truỵ, phao tin thất thiệt về 1 nữ nhân viên công ty Samsung lây nhiễm HIV cho nhiều người. Theo Bộ Luật hình sự, nhóm đối tượng này có thể bị phạt lên đến 3 năm tù về tội tung tin giả để vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Liên quan đến vụ việc này, cơ quan công an cũng xử phạt 1 người phụ nữ 7,5 triệu đồng về cung cấp chia sẻ thông tin giả xúc phạm danh dự nhân phẩm của cá nhân.

Cần sớm định danh tài khoản trên mạng xã hội

Phần lớn đối tượng xấu lợi dụng việc ẩn danh trên các trang mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội. Họ không sợ hậu quả, không sợ trách nhiệm. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ có định danh tài khoản mạng xã hội, loại bỏ cơ chế ẩn danh, người dùng mới quay lại đúng với trách nhiệm công dân của mình

Hiện trong dự thảo Nghị định 72 sửa đổi về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã bổ sung quy định xác thực tài khoản mạng xã hội của người dùng bằng tên thật và số điện thoại. Chỉ có tài khoản đã được định danh/ mới được viết bài, bình luận, sử dụng tính năng phát trực tiếp, nếu không, người dùng chỉ được xem nội dung.

Việc định danh tài khoản mạng xã hội thông qua tên thật, số điện thoại thật là cần thiết vì một môi trường mạng lành mạnh, văn minh. Tuy nhiên, để triển khai được việc này cũng là thách thức không hề nhỏ. Khi các trang mạng xã hội là các nền tảng xuyên biên giới , sẽ rất khó để các nền tảng này tuân theo một quy định riêng nếu nó không phải là một tiêu chuẩn được quốc tế thừa nhận. Ngoài ra một vấn đề nữa được người dân quan tâm đó là việc bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường Internet.

Việc các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, và TikTok sử dụng mô hình kinh doanh dựa vào quảng cáo đã khiến người dùng trở thành khách hàng chính. Theo đó, người dùng có quyền lựa chọn cung cấp thông tin cá nhân hay không. Nếu bắt buộc định danh tài khoản, các nền tảng này có thể đối mặt với việc giảm số lượng người dùng và ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh của mình.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, cho biết: "Khi người dùng không muốn cung cấp số điện thoại để định danh, doanh nghiệp có thể rơi vào tình thế mất người dùng hoặc vi phạm pháp luật, dẫn đến hạn chế khả năng cạnh tranh, đặc biệt là với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội vừa và nhỏ hoặc mới ra nhập thị trường."

Một vấn đề lớn khác là nhiều tài khoản ảo được tạo ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, điều này khiến việc thực hiện định danh tài khoản mạng xã hội trong nước không đủ để quản lý chặt chẽ. Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê, nhấn mạnh: "Chúng ta cần triển khai chính sách chủ động và đàm phán với các nhà mạng để tạo ra các thuật toán phù hợp, đồng thời cần một chiến dịch vận động toàn cầu để giải quyết vấn đề này."

Ông Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần An ninh mạng CyStack, cảnh báo: "Nếu các nhà cung cấp dịch vụ không sử dụng nguồn tài nguyên một cách hợp lý và lưu trữ dữ liệu ở một nơi duy nhất, tin tặc có thể dễ dàng tấn công và lấy cắp thông tin quan trọng của người dùng. Do đó, các nhà hoạch định chính sách và nhà cung cấp dịch vụ cần minh bạch và có cơ chế bảo mật dữ liệu an toàn."

Hiện nhiều nền tảng cũng đang thực hiện việc xác minh thông tin người dùng thông qua tài khoản của một dịch vụ khác. Nhưng chỉ cần một trong chuỗi các nền tảng liên quan không tuân thủ yêu cầu, tính định danh sẽ bị phá vỡ. Vì vậy, quy trình này đòi hỏi phải được triển khai đồng bộ với sự thống nhất từ phía các đơn vị cung cấp dịch vụ.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước