Trẻ hóa khớp háng - khớp gối với công nghệ mới nhất

P.V-Thứ sáu, ngày 24/02/2023 18:23 GMT+7

Chương trình tư vấn trực tuyến

VTV.vn - Sau thay khớp bằng công nghệ mới, người bệnh phục hồi nhanh, ít đau, sau 1 - 2 ngày có thể đi lại.

Vào lúc 20h ngày 23/2/2023, chương trình tư vấn trực tuyến "CÔNG NGHỆ MỚI NHẤT THAY KHỚP HÁNG - KHỚP GỐI" do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã diễn ra. Chương trình thu hút nhiều sự quan tâm nhờ có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu đến từ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: TS.BS Tăng Hà Nam Anh, ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa và ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Hệ thống BVĐK Tâm Anh.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã thay khớp thành công cho gần 1000 người bệnh. Các công nghệ hiện đại như thay khớp háng SuperPath, Anterior Path và thay khớp gối động học Medial - Pivot đã giúp người bệnh tìm lại "thanh xuân" cho những khớp đã già nua. Người bệnh có thể sớm quay trở lại với các hoạt động bình thường.

Mang nhiều ưu điểm vượt trội hơn các phương pháp thay khớp háng truyền thống, kỹ thuật SuperPath hay Anterior Path giúp bảo tồn nhóm cơ xoay ngoài bao quanh khớp háng. Một đến hai ngày sau mổ, người bệnh có thể đi lại nhẹ nhàng. Khi vết thương lành, các động tác khó như vắt chân chữ ngũ, ngồi xổm… người bệnh có thể thực hiện dễ dàng. Đây là điều các phương pháp truyền thống chưa thực hiện được.

Trước đây, khi thay khớp gối, người bệnh thường gặp phải tình trạng thay đổi trục chi dưới, bị đau và cảm thấy không tự nhiên khi đứng lên, ngồi xuống, đi cầu thang, bước đi như robot. Khắc phục các nhược điểm đó, kỹ thuật thay khớp gối động học Medial - Pivot có khả năng tái tạo khớp gối gần giống khớp gối tự nhiên khi còn trẻ, đảm bảo góc nghiêng của khớp gối cho người bệnh.

Ngoài các kỹ thuật thay khớp hiện đại, các công nghệ mới tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trong tạo hình khớp gối (tái tạo kích thước, giải phẫu và cơ sinh học gần giống khớp gối tự nhiên của con người) và công nghệ thực tế ảo Mắt thần Navigation Knee+ (tăng độ chính xác cho phẫu thuật, rút ngắn thời gian mổ, hạn chế các biến chứng và nguy cơ hậu phẫu) giúp người bệnh có thể nhanh chóng đi lại, tham gia những hoạt động như đạp xe, bơi lội, leo núi…

Trẻ hóa khớp háng - khớp gối với công nghệ mới nhất - Ảnh 1.

TS.BS Tăng Hà Nam Anh - Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh.

Câu hỏi: "Nữ bệnh nhân 73 tuổi bị thoái hóa khớp 10 năm, có bệnh nền đái tháo đường. Người bệnh có chỉ định phẫu thuật từ 5 năm trước nhưng không dám thực hiện do lo sợ nhiễm trùng. Người bệnh lớn tuổi mổ thay khớp có nguy hiểm gì không, đặc biệt còn bị đái tháo đường?". TS.BS Tăng Hà Nam Anh cho biết, hiện nay khi thay khớp, tuổi tác không còn là vấn đề quá lớn. Quan trọng là ở tuổi đó, người bệnh mắc bao nhiêu bệnh nền. Nếu các bệnh nền này được kiểm soát tốt, người bệnh vẫn an toàn khi thực hiện thay khớp. Nhiều người bệnh đái tháo đường lo sợ vết mổ không lành là có cơ sở. Nếu như không kiểm soát được đường huyết, nguy cơ nhiễm trùng sau mổ của nhóm đối tượng này rất cao. Tuy vậy, với sự phát triển của y khoa, bệnh đái tháo đường đã được kiểm soát chặt chẽ. Theo nhiều nghiên cứu thay khớp được thực hiện trên người bệnh đái tháo đường, các trường hợp kiểm soát đường huyết tốt, tỷ lệ nhiễm trùng của họ sẽ tương đương với người khỏe mạnh. Đây là một tin vui với người bệnh đái tháo đường đang có nhu cầu thay khớp.

Trẻ hóa khớp háng - khớp gối với công nghệ mới nhất - Ảnh 2.

ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa - Trưởng khoa Tái tạo khớp - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Trả lời thắc mắc: "Em là nam, 35 tuổi. Lúc 15 tuổi bị viêm xương, đã cắt chỏm xương. Hiện hai chân lệch nhau 7cm, gây khó khăn khi đi lại. 20 năm qua, không bị đau nhức, chỉ mỏi chân khi chơi thể thao hoặc đi lại nhiều. Hiện em muốn thay khớp háng để đi lại và làm việc thuận tiện hơn có được không?". ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa cho hay, chấn thương khiến dáng đi của anh bị tập tễnh. Nếu duy trì dáng đi này, lâu dầu có thể gây ra các bệnh lý ở cột sống như trượt đốt sống, thoát vị đĩa đệm… Vì vậy, thay khớp háng trong trường hợp này là cần thiết. Nhiều người bệnh trẻ tuổi khi thay khớp háng thường thắc mắc khớp háng nhân tạo có thể sử dụng được bao lâu. Thông thường, độ bền của một khớp háng nhân tạo là khoảng 25 - 30 năm. Hơn nữa, độ bền của khớp nhân tạo còn phụ thuộc vào phương pháp thay khớp. Tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các bác sĩ đang áp dụng kỹ thuật SuperPath và Anterior Path trong thay khớp háng. Trong đó, ưu điểm của đường mổ SuperPath là chỉ mở và lách qua bao khớp phía trên, không cắt cơ và bao khớp để bộc lộ phẫu trường. Kỹ thuật này còn bảo tồn được hoàn toàn hệ thống gân phía sau khớp háng. SuperPath được thiết kế để tái tạo chính xác mà không cần cắt những gân quan trọng và kéo căng hoặc chấn thương những cơ quan trọng đối với chức năng của khớp háng. Nhờ đó, người bệnh phục hồi nhanh, đồng thời tăng độ bền cho khớp nhân tạo. Quay lại trường hợp của anh, nếu đã có ý định thay khớp, bác sĩ khuyên anh nên thực hiện sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm sau này.

Trẻ hóa khớp háng - khớp gối với công nghệ mới nhất - Ảnh 3.

ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Với câu hỏi "Bà em 69 tuổi đã thay khớp gối 3 năm trước. Đến giờ, bà vẫn đau, đi lại hạn chế. Bà muốn thay lại khớp gối có được không? Ngoài ra, bác sĩ có chỉ định bà thay hai khớp gối, nhưng chỉ mới thực hiện một bên. Trong lần mổ này, hi vọng được thay hai khớp gối cùng lúc", ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học cho biết, nếu thay khớp gối vào 3 năm trước, bà của anh có thể đã áp dụng kỹ thuật cũ - thay khớp gối cơ học. Đối với kỹ thuật này, tỷ lệ đau kéo dài sau thay khớp là khoảng 15 - 20%. Trường hợp của bà vẫn có thể tiến hành thay khớp lần hai. Tuy nhiên, lần hai có thể không dễ dàng như lần đầu. Vì lúc này bác sĩ phải bộc lộ phẫu trường một lần nữa, đi qua đường mổ cũ. Điều này tiềm ẩn một số rủi ro như mô cơ co rút rất nhiều, cấu trúc giải phẫu đã bị thay đổi và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Vì thế, nếu dự định thay lại khớp gối, người nhà nên đưa bà đến thăm khám tại các bệnh viện chấn thương chỉnh hình. Khi thăm khám, người bệnh sẽ được chụp x-quang, chụp CT scan để xác định chính xác kích thước khớp nhân tạo cũ. Qua đó, bác sĩ mới có cách lấy khớp gối cũ ra để thay khớp mới vào. Ngoài ra, để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện xét nghiệm máu, lấy dịch khớp khối… Trường hợp bà của anh vẫn có thể tiến hành thay hai khớp gối cùng lúc. Tuy nhiên, thay hai khớp cùng lúc có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, đau trong và sau mổ. Vì thế, người nhà nên sớm đưa bà đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, từ đó có hướng can thiệp phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả điều trị.

Sau thay khớp, người bệnh rất cần được chăm sóc kỹ lưỡng. Ngoài chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, tập vật lý trị liệu cũng rất quan trọng. Phục hồi chức năng sau thay khớp sẽ giúp người bệnh giảm đau, kiểm soát tình trạng sưng nề, tăng cường phạm vi vận động khớp, phục hồi sức mạnh và sự dẻo dai của khớp, phục hồi dáng đi, khôi phục sức mạnh các cơ chi dưới, lấy lại khả năng thực hiện các công việc hàng ngày.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước