Số bệnh nhi nhập viện đang tăng nhanh. Bộ Y tế cho biết, đến nay, cả nước có hơn 17.400 ca mắc tay chân miệng, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam, lượng bệnh nhi nhập viện ngày càng tăng, gây lo ngại cho nhiều phụ huynh.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, trẻ mắc tay chân miệng nhập viện kín các phòng bệnh. Nhiều trẻ nổi bóng nước ra ngoài, có trẻ lại không có biểu hiện gì bên ngoài nhưng sốt và quấy khóc. Nên nếu không chú ý, phụ huynh dễ lầm tưởng là các bệnh khác.
Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đã ghi nhận lượng bệnh tay chân miệng tăng gấp đôi tuần trước. 2/3 số ca nhập viện đến từ các tỉnh thành phía Nam. Nhiều ca trở nặng nhanh chỉ sau 1 ngày sốt phải nhập viện.
Chân một bệnh nhi mắc tay chân miệng
Tại TP Hồ Chí Minh, 21/24 quận huyện có ca mắc tay chân miệng đã tăng ở mức báo động. Bệnh dự báo tiếp tục tăng trong tháng 4 và tháng 5 này. Vì vậy các bệnh viện đang tăng cường phương tiện máy móc thuốc men để sẵn sàng cứu chữa những trường hợp nặng.
Có thể thấy việc lưu ý những biểu hiện của trẻ để đưa đi khám chữa kịp thời là vô cùng cần thiết. Phụ huynh cũng cần lưu tâm đến diễn biến của dịch bệnh này tại địa phương mình ở.
Chiều 13/4, UBND TP Hà Nội cảnh báo thành phố đã ghi nhận 82 ca mắc tay chân miệng, ở 28 quận huyện, thị xã. Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm, lây qua đường tiêu hóa và có thể gặp ở bất kỳ tỉnh thành nào. Thông thường hàng năm, số ca mắc tay chân miệng tăng vào 2 đợt: tháng 4, tháng 5; và tháng 9, tháng 10. Tuy nhiên năm nay, ngoài số ca vẫn tăng như thông thường, đã có những bất thường cần hết sức lưu ý.
Theo biểu đồ thống kê bệnh tay chân miệng của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, cũng là nơi tiếp nhận điều trị phần lớn bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị phía Nam, thống kê trong trong vòng 5 năm qua, có thể thấy bệnh tay chân miệng có hai đợt đỉnh cao nhất là đầu năm vào giữa tháng 4, tháng 5 và cuối năm tăng cao nhất vào tháng 11 hàng năm.
Tuy nhiên năm nay, có thể thấy bệnh tay chân miệng tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 và tương đương với tỷ lệ trung bình trong 5 năm và đang có xu hướng tăng.
Mặc dù đợt đầu năm chưa phải là đợt cao điểm của bệnh tay chân miệng nhưng đã có những bất thường khi số ca nặng đã tăng cao hơn những năm ngoái. Ví dụ như thống kê dưới đây:
Bệnh viện Nhi đồng 1: Trong số 40 trẻ thì có 8 trẻ mắc độ 3b. Tỷ lệ khoảng 20%. Gấp 3 lần.
Bệnh viện Nhi đồng 2: Trong số 36 trẻ đang điều trị thì có đến 6 trẻ mắc độ 2b, 3b.
Độ 2b tức là trẻ có những triệu chứng:
- Giật mình ≥ 2 lần/30 phút.
- Sốt cao, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
Hoặc:
- Yếu chi hoặc liệt chi.
- Liệt thần kinh sọ.
Độ 3:
- Rối loạn tri giác.
- Huyết áp tăng.
- Thở nhanh, thở bất thường.
Với việc xuất hiện nhiều ca nặng ngay đợt đầu tiên của năm, các chuyên gia đã cảnh báo người dân không thể chủ quan và cùng phòng chống bệnh tay chân miệng ngay lúc này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!