Mùa xuân là mùa lễ hội. Đây là nhu cầu tinh thần không thể thiếu mỗi dịp đầu năm. Cũng bởi thế mà sau 2 năm tạm dừng do dịch bệnh COVID-19, năm nay, không khí đã nhộn nhịp trở lại ở rất nhiều khu di tích và danh thắng.
Trang trọng, tiết kiệm, văn minh là những chủ trương được đề ra đối với các loại hình lễ hội của nước ta. Tuy nhiên, có thể vì vô tâm hay cố ý để trục lợi cá nhân, mùa lễ hội nào cũng tồn tại những vấn đề chưa đúng với chủ trương này.
Lễ hội chùa Hương thu hút rất đông và du khách mỗi dịp đầu Xuân.
Đơn cử như cách chùa Hương gần 70 cây số, tại cụm di tích Đình- chùa Bia Bà, dù Ban tổ chức liên tục bắc loa tuyên truyền; nhưng có vẻ không nhiều người quan tâm. Tiền lẻ vẫn được cài khắp nơi. Tình trạng đốt vàng mã, sử dụng rất nhiều hương... vẫn xảy ra.
''Khói nhiều, hương nhiều thành ra mù mịt nên nước mắt cứ chảy ra thành ra không được thanh tịnh cho lắm'' - một du khách bày tỏ.
Còn tại khu di tích Tây Thiên, đi lễ muốn xe vào gần thì phải qua cò mồi.
Lọt vào ống kính phóng viên là một cò mồi đang dẫn khách với những lời chèo kéo: "Mình nghỉ ngơi ăn uống em đưa vào nhà. Nhà em trong chân đền. Nhà em trong bến mới có bến đỗ xe mới cho vào. Nhà hàng ăn có chỗ để xe thì mới cho các anh vào được thôi"
Cứ thế, dịch vụ cò mồi của các nhà hàng trong khu di tích hoạt động nhộn nhịp, thản nhiên dẫn khách đoàn lọt qua nhiều chốt chặn kiểm soát phương tiện do địa phương quản lý…
Đóng góp tiền công đức - hình ảnh quen thuộc tại các lễ hội đầu năm từ xưa đến nay.
Bên cạnh đó, một trong những hình ảnh quen thuộc đi lễ đầu năm là đóng góp tiền công đức. Người dân đi lễ thì mong đóng góp một chút để tôn tạo miếu mạo, đền chùa. Tuy nhiên, trước thực tế số lượng tiền công đức không hề nhỏ như hiện nay, để quản lý đúng pháp luật và hiệu quả, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3/2023.
Thông tư 04/2023/TT-BTC quy định rõ về tiếp nhận tiền công đức, tài trợ. Theo đó, cần mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Dù là tiền mặt, giấy tờ có giá hay kim khí quý, đá quý đều phải có sổ ghi chép đầy đủ sau khi kiểm đếm.
Với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản để minh bạch. Còn với giấy tờ có giá và kim khí quý, đá quý được giao cho tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm.
Nhưng quy định mới có giúp cho việc quản lý, sử dụng tiền công đức khắc phục được những nhược điểm trước đây hay không?
Cùng trao đổi về những mặt trái còn tồn tại ở các lễ hội đầu năm cũng như những quy định mới liên quan với ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!