Truyền thông số lan tỏa hình ảnh Hà Giang

Phạm Hoan- Minh Trang-Thứ năm, ngày 26/10/2023 10:50 GMT+7

VTV.vn - Ngày hội Truyền thông năm 2023 được tỉnh Hà Giang tổ chức nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, lan tỏa mạnh hơn hình ảnh của đất và người Hà Giang trên các nền tảng số.

Chiều 25/10, UBND tỉnh Hà Giang đã lần đầu tiên tổ chức Ngày hội Truyền thông năm 2023. Đây cũng là sự kiện khởi động cho chuỗi các hoạt động lớn sắp tới như: Hội nghị Văn hóa; Chương trình đón nhận Danh hiệu Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III và khai mạc Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ IX...

Truyền thông số lan tỏa hình ảnh Hà Giang - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Ngày hội Truyền thông năm 2023 do tỉnh Hà Giang tổ chức

Sự kiện nhằm tăng cường thông tin đối ngoại, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm đặc trưng; lan tỏa hình ảnh đất và người Hà Giang; tạo diễn đàn gặp gỡ, chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo trong truyền thông; sự kết nối, phối hợp thường xuyên giữa truyền thông nhà nước với truyền thông cộng đồng; tư vấn xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy và tăng cường hiệu quả truyền thông.

Phát biểu khai mạc ngày hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý khẳng định: Thực hiện các chủ trương, nghị quyết về chuyển đổi số, công tác truyền thông trên địa bàn tỉnh đã thay đổi tích cực, phát triển mạnh mẽ với sự quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, thiết lập, khai thác và sử dụng các phương thức truyền thông hiện đại theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bắt nhịp nhanh với chuyển đổi số.

Ngày hội Truyền thông sẽ tạo cơ hội lớn để Hà Giang nhìn nhận, có đánh giá khách quan về sự phát triển của hoạt động truyền thông nói chung, truyền thông số nói riêng để tiếp tục có định hướng, giải pháp phát triển trong thời gian tới.

Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Hà Giang trên nền tảng số

Trong chương trình tọa đàm "Truyền thông số lan tỏa hình ảnh Hà Giang", các khách mời đến từ các cơ quan quản lý báo chí, các nghệ sĩ, đại diện kênh truyền thông cộng đồng tiêu biểu trong và ngoài tỉnh đã cùng trao đổi, chia sẻ thông tin hữu ích, đa chiều về các giải pháp đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh Hà Giang trên nền tảng số và tăng cường kết nối, hợp tác, hỗ trợ truyền thông.

Truyền thông số lan tỏa hình ảnh Hà Giang - Ảnh 2.

Tọa đàm về nội dung đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh Hà Giang trên nền tảng số

Theo ông Đỗ Thái Hòa, Giám đốc Sở TT&TT Hà Giang, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu, không thể đảo ngược. Truyền thông số còn là khái niệm khá mới mẻ, đặc biệt với tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Hà Giang. Nhưng với chủ trương, định hướng và sự quyết tâm trong công tác chuyển đổi số, tỉnh xác định tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, trọng tâm là thông tin, tuyên truyền trên môi trường số. Nhờ phát huy hiệu quả truyền thông số, những năm gần đây Hà Giang đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Đánh giá về hiệu quả truyền thông số tại Hà Giang, ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí chia sẻ: Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, số lượng cơ quan báo chí thông tin về Hà Giang trên báo điện tử so với các địa phương khác có sự vượt trội vượt bậc.

Minh chứng là từ đầu năm 2023 đến nay, số lượng báo điện tử thông tin về Hà Giang có trên 28.000 tin, bài; lượng thông tin tích cực chiếm trên 80%. Qua đó, thấy được sức hút của Hà Giang đối với các cơ quan truyền thông.

Truyền thông số lan tỏa hình ảnh Hà Giang - Ảnh 3.

Hà Giang là điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách

Cùng với đó, lĩnh vực phát thanh, truyền hình, nhiều cơ quan thông tấn, báo chí lớn tăng cường thông tin, dành thời lượng cho Hà Giang. Trong đó, nội dung quan tâm chủ yếu về Cao Nguyên đá Đồng Văn, lễ hội, văn hóa truyền thống – đó là lợi thế, hiệu quả truyền thông Hà Giang đang tạo ra.

Tuy nhiên, trong điều kiện còn nhiều khó khăn của một tỉnh miền núi, Hà Giang cần có những biện pháp cụ thể để tạo sự đột phá hơn nữa trong công tác truyền thông, lan tỏa hình ảnh địa phương.

Theo ông Lê Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam: Hà Giang đã xây dựng được nhiều hoạt động truyền thông quan trọng, từng bước nâng cao, lan tỏa hình ảnh trong thời đại số.

Để khắc phục khó khăn, cần chú trọng vào sức hấp dẫn của các nội dung số, nâng cao hiệu quả truyền thông; tăng cường kết nối các cá nhân, cộng đồng để phối hợp đào tạo về truyền thông, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm quảng bá theo hướng chuyên nghiệp. Phát huy các chất liệu về văn hóa, cảnh sắc, đời sống sinh hoạt và sản phẩm du lịch để quảng bá gắn với phát động các đợt thi đua để lựa chọn các sản phẩm số xuất sắc. Ưu tiên tạo cơ chế, chính sách tôn vinh các cộng đồng làm truyền thông hiệu quả; kịp thời khen thưởng, hỗ trợ, tài trợ và xây dựng cơ chế đặt hàng. Hà Giang cần tiếp tục thực hiện đột phá về hà tầng giao thông, rút ngắn khoảng cách vùng miền…

Tăng cường hợp tác giữa truyền thông nhà nước và truyền thông cộng đồng

Truyền thông, quảng bá hình ảnh Hà Giang bên cạnh hiệu quả từ các cơ quan báo chí, truyền thông nhà nước, còn có sự vào cuộc và đóng góp rất tích cực, hiệu quả của truyền thông trong cộng đồng.

Từ các kênh truyền thông cộng đồng, các điểm đến hấp dẫn, sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng của Hà Giang đã được quảng bá, giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước thông qua các video clip, bài viết, hình ảnh đẹp mắt.

Cùng chung tình yêu với mảnh đất nơi biên cương Hà Giang, ca sĩ, nhạc sĩ Quách Beem đã sáng tác và thể hiện bài hát "Hà Giang ơi" thu hút 180 triệu lượt view trên các nền tảng mạng xã hội.

Truyền thông số lan tỏa hình ảnh Hà Giang - Ảnh 4.

Hà Giang cũng là cảm hứng cho nhiều ca khúc có lượng người nghe lớn

Chia sẻ tại tọa đàm, tác giả ca khúc cho biết năm 2018 khi đặt chân đến Hà Giang, cảnh sắc thiên nhiên kỳ vỹ, con người mến khách đã gây ấn tượng mạnh với anh. Sau đó ca khúc "Hà Giang ơi" ra đời và được sự đón nhận rất lớn. Từ động lực này, anh dự định sẽ dịch ca khúc sang tiếng nước ngoài và hợp tác với các ca sĩ ngoài nước lan tỏa, đưa hình ảnh Hà Giang vươn ra thế giới.

Lựa chọn những cách riêng để quảng bá về Hà Giang trên nền tảng số, anh Hoàng Nam chủ nhân của kênh Youtube "Challenge me - Hãy Thách Thức Tôi" với gần 4,1 triệu người đăng ký đã có hàng trăm video clip về Hà Giang.

Anh cho biết, yếu tố cốt lõi để thu hút người xem đó chính là những trải nghiệm hoàn toàn mới và những cảm xúc khó quên đối với cảnh đẹp, đời sống của đồng bào các dân tộc với những phong tục rất riêng có của Hà Giang. Đó là động lực để anh tiếp tục khám phá, lan tỏa về mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc.

Truyền thông số lan tỏa hình ảnh Hà Giang - Ảnh 5.

Hà Giang được nhiều bạn trẻ lựa chọn là điểm đến cho các chuyến đi khám phá của mình

Dưới góc nhìn văn hóa, bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, TT&DL Hà Giang khẳng định, để phát huy thế mạnh của truyền thông số, giữa các cơ quan, ban, ngành, đơn vị cũng như cộng đồng truyền thông cần có sự kết nối, hợp tác và hỗ trợ nhau để tạo nên hiệu quả trong tuyên truyền, quảng bá. Thời gian qua, tỉnh đã và đang đẩy mạnh kết nối, hợp tác, hỗ trợ truyền thông trên nền tảng số trong quảng bá văn hóa, du lịch. Đồng thời linh hoạt, sáng tạo tổ chức các chương trình, sự kiện quảng bá, giới thiệu lễ hội, bản sắc văn hóa trên các kênh truyền thông số.

Trong đó, đáng chú ý là truyền thông, quảng bá những lễ hội thường niên, mang thương hiệu của Hà Giang trên các nền tảng số, mạng xã hội Zalo, Facebook; tổ chức các tour du lịch online trải nghiệm về danh thắng, di sản… Nhờ đó, 10 tháng năm 2023, Hà Giang thu hút trên 2,4 triệu lượt khách, đạt 97% so với kế hoạch. Hà Giang được nhiều tạp chí du lịch uy tín trên thế giới lựa chọn, mới đây nhất là Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023.

Giải quyết bài toán nguồn lực trên không gian số

Phát biểu bế mạc ngày hội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm ghi nhận, đánh giá cao sáng kiến của Hà Giang trong việc tổ chức Ngày hội Truyền thông nhằm tạo cơ chế, cách làm mới đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh địa phương trên nền tảng số. Đồng chí nhấn mạnh, Hà Giang đã có sự tinh tế trong công tác truyền thông chính sách, nỗ lực lan tỏa hình ảnh đến cộng đồng trong và ngoài nước.

Truyền thông số lan tỏa hình ảnh Hà Giang - Ảnh 6.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại ngày hội.

Cùng với những kết quả đạt được, tỉnh cần tiếp tục quan tâm, phát huy hiệu quả vai trò của báo chí - truyền thông trong công tác quảng bá hình ảnh Hà Giang; tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh thông tin báo chí lên không gian mạng.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng đề nghị Hà Giang sớm ban hành danh sách đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách ở tất cả các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, qua đó tạo sự kết nối và trở thành kênh cung cấp thông tin chính thống cho báo chí một cách bài bản, quy củ trong việc truyền thông lan tỏa hình ảnh địa phương.

Truyền thông số lan tỏa hình ảnh Hà Giang - Ảnh 7.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý trao Bằng khen cho các kênh thông tin, cá nhân đã góp phần tích cực trong quảng bá hình ảnh đất và con người Hà Giang.

Tại Ngày hội truyền thông năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã tặng Bằng khen cho 9 kênh thông tin, 10 cá nhân; Giám đốc Sở TT&TT khen thưởng 11 kênh thông tin và 14 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác truyền thông, quảng bá, lan tỏa hình ảnh Hà Giang trên môi trường số.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước